Hết quý III năm nay, các ngân hàng lớn nhỏ lại rầm rộ báo cáo lãi tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết lũy kế 9 tháng đầu năm, nhà băng này lãi trước thuế 11.683 tỷ đồng, lãi ròng 9.378 tỷ, tăng 47% so với cùng kỳ.
Ở khối cổ phần, tạm dẫn đầu về lợi nhuận hiện là Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) với mức lãi trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 7.774 tỷ, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết mảng kinh doanh đều có tăng trưởng dương.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng cho biết lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6.125 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 4.376 tỷ đồng hồi giữa năm. Hay như Ngân hàng Á Châu (ACB) lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng ghi nhận mức kỷ lục kể từ khi xảy ra đại án Bầu Kiên với gần 4.800 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ 2017.
Không kém cạnh, thậm chí tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận thuộc loại cao nhất phải kể đến Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) khi kết thúc 9 tháng đầu năm, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 1.720 tỷ đồng, tăng 176% so với cùng kỳ năm trước và đạt 86% kế hoạch cả năm.
Một số ngân hàng khác như TPBank, ABBank cũng ghi nhận mức lãi khá cao trong 9 tháng khi đạt lần lượt 1.614 tỷ đồng và 658 tỷ đồng.
Để có được mức lãi cao như trên, các ngân hàng cũng dựa phần lớn vào nguồn thu từ tín dụng. Chẳng hạn như VPBank trong 9 tháng nhưng dư nợ cấp tín dụng 211.092 tỷ đồng tăng 17%, còn Vietcombank tăng 15% đạt 616.409 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã ghi nhận một số kết quả tích cực từ sự chuyển đổi ở doanh thu mảng dịch vụ phí. Tính tới cuối quý III, nguồn thu từ phí của VPBank tăng 38% so với quý trước.
Tương tự, Vietcombank ở hoạt động dịch vụ cũng tăng trưởng khá cao. Cụ thể, 9 tháng, lãi từ dịch vụ đạt 2.628 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ; lãi từ hoạt động khác tăng gấp đôi đạt 3.034 tỷ đồng. Tại TPBank, đại diện ngân hàng cũng cho biết, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 3,4 lần so với cùng kỳ 2017.
Ngoài ra, việc chi phí dự phòng giảm trong khi khoản thu nhập khác tăng mạnh cũng là nguyên nhân lớn giúp lợi nhuận của các nhà băng đạt mức cao trong 9 tháng.
Như tại ACB, riêng thu nhập ròng khác tăng mạnh 99,7%, đạt 898 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc thu hồi các khoản nợ đã xử lý. Khoản mục này đóng góp 9,1% cho tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ACB trong quý 3 lại giảm 59%, xuống gần 215 tỷ đồng.
Một lý do khác góp phần tăng lợi nhuận là nhiều ngân hàng đã hoàn thành trích lập trái phiếu VAMC trong năm 2017, các khoản hoàn nhập từ dự phòng sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận nửa đầu năm qua.
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, với việc tín dụng tăng trưởng mạnh ngay từ đầu năm và tình hình kinh tế được dự báo tiếp tục ổn định, lợi nhuận ngân hàng từ nay tới cuối năm được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ.
Những tháng cuối năm, room tín dụng của nhiều ngân hàng gần cạn, tuy nhiên, bù lại với việc này là lãi suất cho vay đang có xu hướng tăng trở lại, có thể cải thiện tỷ suất thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng.
Ngoài yếu tố này, thu nhập không thường xuyên đối với một số ngân hàng đến từ việc thanh lý tài sản ngoại bảng, thoái vốn hay thoái sở hữu chéo cũng giúp lợi nhuận tăng đột biến so với cùng kỳ. Như trong báo cáo gần đây của SSI Research, đơn vị này ước tính hoạt động thoái vốn tại MB và Eximbank của Vietcombank có thể mang về khoản lợi nhuận khoảng 1.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo Vietcombank cho rằng, kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của ngân hàng, do việc tăng thu từ tín dụng, đóng góp tích cực của tăng thu nhập từ thu ngoài lãi, thu từ dịch vụ và thu nhập từ hoạt động bảo hiểm với các chỉ số tăng trưởng rất khả quan.
Trao đổi với VnExpress về câu chuyện lợi nhuận ngành ngân hàng, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải nhìn nhận, có thể đỉnh lợi nhuận của ngành sẽ là năm 2018, sau đó giảm dần. Vì thời điểm này, hầu hết ngân hàng đã trích lập xong dự phòng tín dụng của giai đoạn 2011 - 2014. Hơn nữa, sắp tới Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ không muốn duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao như hiện nay mà sẽ đưa xuống thấp hơn.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng những năm sau là Basel 2 khi đã chính thức được áp dụng thì sẽ ảnh hưởng phần nào đến chiến lược kinh doanh của các ngân hàng. Lúc này, các nhà băng không thể dựa nhiều vào tín dụng mà phải chuyển qua các hoạt động khác. Khi đó, lợi nhuận chắc chắn sẽ bị giảm sút chứ không thể như năm nay.
Cũng theo ông Hải, từ năm 2019, vấn đề nợ xấu có thể sẽ lại là bài toán cho các ngân hàng sau thời gian vừa qua tăng trưởng tín dụng tương đối "nóng", bên cạnh những tác động bất ổn từ thị trường tài chính thế giới. Theo đó, lợi nhuận những năm sau sẽ tăng trưởng chậm lại, và theo xu hướng giảm.
Lệ Chi