"Khi mùa công bố kết quả kinh doanh Quý III đang đến gần, chúng tôi dự báo các ngân hàng sẽ cho lợi nhuận tốt trong 9 tháng đầu năm mặc dù tăng trưởng tín dụng chậm lại", HSC mở đầu báo cáo.
Công ty chứng khoán này cho rằng, lợi nhuận của nhóm ngân hàng niêm yết sẽ tăng 41% cùng kỳ. Dự báo này được đưa ra dựa trên giả định tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 11%. Con số dự báo này thấp hơn tăng trưởng giai đoạn nửa đầu năm khi lợi nhuận 6 tháng của nhóm 13 ngân hàng niêm yết đã tăng gần 53% so với cùng kỳ, với mức tăng trưởng tín dụng giai đoạn này đạt 9,4%.
Theo HSC, tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng gần đây đã giảm tốc sau khi đã tăng khá nhanh trong nửa đầu năm. Điều này xuất phát từ những lo ngại về lạm phát. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng không được cho vay quá nhiều với ngành có rủi ro cao như bất động sản, cho vay tiêu dùng và chứng khoán. Bên cạnh đó, cơ quan điều hành cũng giữ nguyên mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng là 15%, thay vì có động thái điều chỉnh hạn mức như những năm trước.
Tuy nhiên, bù lại với tăng trưởng tín dụng thấp là lãi suất cho vay đang có xu hướng tăng trở lại, điều này có thể cải thiện tỷ suất thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng.
Lãi suất cho vay tiền đồng bình quân đã tăng 0,25% lên 9,5% trong tháng 9 từ 9,25% trong tháng 8. Sau vài tháng gần như giữ nguyên, lãi suất cho vay đã bắt đầu tăng trong hai tháng gần đây với mức tăng tổng cộng 0,48%. Tính ra, lãi suất cho vay bình quân đang cao hơn 0,46% so với cuối năm ngoái.
Ngoài yếu tố này, đóng góp vào mức tăng chung còn có đà tăng của thu nhập ngoài lãi, thu nhập bất thường và chi phí dự phòng giảm. Theo HSC, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng cũng đang có xu hướng tăng mạnh nhờ lãi hoạt động dịch vụ tăng và đóng góp của các dòng thu nhập mới như hoa hồng bảo hiểm.
Thu nhập không thường xuyên đối với một số ngân hàng đến từ việc thanh lý tài sản ngoại bảng, thoái vốn hay thoái sở hữu chéo cũng giúp lợi nhuận tăng đột biến so với cùng kỳ. Như trong báo cáo gần đây của SSI Research, đơn vị này ước tính hoạt động thoái vốn tại MB và Eximbank của Vietcombank có thể mang về khoản lợi nhuận khoảng 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí dự phòng đang có xu hướng giảm. Theo ước tính sơ bộ của HSC, chi phí dự phòng chung cho các ngân hàng đã niêm yết chỉ tăng 10% trong 9 tháng đầu năm.
Minh Sơn