Kết thúc năm 2018, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Công ty cổ phần FPT (mã CK: FPT) đạt lần lượt 23.214 tỷ và 3.852 tỷ đồng, tương đương 106% và 111% kế hoạch năm. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt gần 3.900 đồng với tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt 16,6%, gấp 1,7 lần cùng kỳ.
Khối công nghệ đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt hơn 13.400 tỷ và 1.519 tỷ đồng, tăng tương ứng 21% và 34% so với cùng kỳ năm trước. Khối Viễn thông tạo ra hơn 8.830 tỷ đồng doanh thu và 1.458 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 15% và 19%.
Bất chấp sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, toàn cầu hóa vẫn tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong năm 2018. Theo số liệu từ FPT, thị trường nước ngoài mang về cho tập đoàn gần 9.100 tỷ đồng doanh thu và 1.472 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 26% và 27%. Tỷ trọng doanh thu từ thị trường nước ngoài trong tổng doanh thu của công ty tăng từ 16% năm 2017 lên 39% trong năm 2018.
Năm 2018 đánh dấu tuổi 30 của FPT và cũng là năm ghi nhận những bước chuyển mới trong hoạt động kinh doanh khi xuất khẩu phần mềm và chuyển đổi số dần trở thành động lực tăng trưởng chính. Lĩnh vực xuất khẩu phần mềm ghi nhận doanh thu hơn 8.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.360 tỷ, tăng lần lượt 35% và 27% so với cùng kỳ năm 2017.
Các thị trường nước ngoài chính của tập đoàn tăng trưởng ở mức thấp nhất 23% so với năm trước và tối đa 55%. Riêng doanh thu mảng dịch vụ chuyển đổi số tại thị trường quốc tế mang về gần 1.700 tỷ doanh thu, tăng 31% và chiếm 20% tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm.
Chia sẻ trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT từng nhắc đến chuyển đổi số như một bước đi mang tính chiến lược tiếp theo của tập đoàn trong mảng xuất khẩu phần mềm - mảng kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khối công nghệ.
Hệ thống platform của FPT nhận được hàng triệu yêu cầu với hơn 4.000 lập trình viên và trên 1.000 ứng dụng. "Chúng tôi đang song hành với những người khổng lồ", Chủ tịch FPT nói và cho biết khoảng cách của FPT với những công ty công nghệ hàng đầu có thể chỉ còn vài phần trăm chênh lệch.
Kỳ vọng của người đứng đầu FPT với doanh thu chuyển đổi số trong 5 năm tới của tập đoàn sẽ tăng từ 100 triệu USD hiện nay lên 1 tỷ USD, chiếm 40% tổng doanh thu. Tiềm năng của mảng hoạt động này đến từ con số quy mô thị trường hơn 2.000 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng hai con số mỗi năm.
Theo một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường, các tổ chức hoạt động trong khu vực tư nhân và khu vực công chi lần lượt 33% và 21% ngân sách công nghệ thông tin năm 2017 vào đầu tư chuyển đổi số. Trong năm 2018, mức chi tăng lên 43% ngân sách với khu vực tư nhân và các tổ chức công tăng lên 28%.
"Cái mà chúng tôi quyết định là dồn nguồn lực để tạo sự khác biệt với các tập đoàn Ấn Độ. Họ đã chọn con đường outsourcing truyền thống. Còn FPT, chúng tôi muốn tiếp tục là người đi đầu trong chuyển đổi số", Chủ tịch FPT nói trong phiên họp thường niên đầu năm. Mảng hoạt động này của công ty tăng trưởng hai con số trong hai năm gần đây với doanh thu tăng 50% trong năm 2017 và 31% trong năm 2018.
Cuối năm 2018, FPT công bố thương vụ mua 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Intellinet) - một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. Tổng giá trị thương vụ này khoảng 40-50 triệu USD, trong đó FPT đã trả trực tiếp cho các cổ đông Intellinet 30 triệu USD và phần còn lại sẽ căn cứ theo hiệu quả hoạt động của công ty này trong 3 năm tới, với giá trị khoảng 10-20 triệu USD.
Sự kết hợp với Intellinet, theo chia sẻ của lãnh đạo FPT, sẽ giúp công ty đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Mỹ, cũng như giúp Intellinet trở thành công ty tư vấn toàn cầu. Thương vụ mở đường cho FPT trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể từ khâu tư vấn, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số cho khách hàng.
Minh Sơn