Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT vừa có cuộc trao đổi với VnExpress về những tham vọng trong lĩnh vực chuyển đổi số sau khi tập đoàn này mua lại 90% công ty tư vấn công nghệ Mỹ Intellinet hôm 12/7.
- Vụ mua lại Intellinet của Mỹ có ý nghĩa như thế nào với FPT, thưa ông?
- Điều đặc biệt đầu tiên chính là FPT - một công ty Việt Nam - đã mua công ty tư vấn công nghệ của Mỹ. Nói đến lĩnh vực tư vấn, Mỹ được xem là đỉnh cao. Khi chúng tôi mua, Intellinet đứng trong Top 50 công ty tư vấn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ với doanh số 30 triệu USD, sở hữu 150 chuyên gia tư vấn có vài chục năm kinh nghiệm, 200 khách hàng lớn trong nhiều lĩnh vực.
Một ý nghĩa nữa là FPT đã ghi dấu mốc quan trọng trong hành trình trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới về dịch vụ chuyển đổi số. Sự kết hợp giữa năng lực tư vấn của Intellinet và thế mạnh về công nghệ, quy mô nhân sự, kinh nghiệm kinh doanh quốc tế của FPT sẽ giúp hai bên cung cấp dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, đặc biệt là dịch vụ chuyển đổi số. Đồng thời đây cũng là cơ hội để chúng tôi đưa Intellinet từ một công ty tư vấn công nghệ của Mỹ thành một công ty tư vấn hàng đầu toàn cầu.
Ngoài ra, đây không chỉ là một thương vụ đôi bên cùng thắng, mà tôi cho là có đến ba bên cùng thắng: FPT, Intellinet và Việt Nam. Chúng ta có thể tự hào là người Việt, công ty Việt có thể thâu tóm công ty Mỹ ngay tại thị trường phát triển bậc nhất. Chúng tôi kỳ vọng rằng, các dự án của FPT sẽ có thay đổi về chất, tiếp tục đóng góp hơn nữa cho xuất khẩu phần mềm của Việt Nam đi thế giới.
- Cuộc M&A này diễn ra trong bối cảnh FPT đánh dấu hai thập kỷ xuất khẩu phần mềm. Điều khiến ông tự hào nhất trong quãng thời gian đó là gì?
- 20 năm trước, chúng tôi bước vào lĩnh vực xuất khẩu phần mềm vô cùng khó khăn, không có được sự đồng thuận từ chính nội bộ, không kinh nghiệm kinh doanh quốc tế, không nhân sự đáp ứng yêu cầu và không thương hiệu.
Chúng tôi đã quẫy đạp trong bấn loạn. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể, khai thác mọi mối quan hệ, mọi sự kiện, phát danh thiếp ở tất cả những nơi cảm thấy có cơ hội. Chúng tôi từng gọi vui với nhau, đi bán hàng là đi hát rong, hát ở tất cả mọi nơi với mọi khách hàng.
Lúc ấy, chúng tôi có một quyết tâm rất lớn vì hiểu rằng, "xuất hay là chết". Do đó, FPT như là bước vào một cuộc chiến, chúng tôi coi xuất khẩu phần mềm là tiền tuyến, các lĩnh vực khác là hậu phương. Hậu phương phải nỗ lực nâng cao doanh số để hỗ trợ cho tiền tuyến. Quyết tâm ấy đã giúp chúng tôi có được kết quả. FPT đã đóng vai trò quan trọng đưa Việt Nam thành điểm đến hàng đầu về ủy thác dịch vụ phần mềm cũng như tạo việc làm cho hàng chục nghìn lập trình viên, kỹ sư công nghệ thông tin.
- Vậy còn bây giờ, khi bước sang tuổi 30, giấc mơ của FPT là gì?
- Hiện nay FPT ở một vị thế khác. Chúng tôi có trong tay danh sách khoảng 500 khách hàng là các tập đoàn lớn trên toàn cầu, là đối tác quan trọng của những tập đoàn đứng đầu trong các lĩnh vực hàng không, công nghiệp, năng lượng trên thế giới như Airbus, Siemens, GE. Trong quá trình làm việc với họ, chúng tôi nhận thấy một nhu cầu rất lớn về chuyển đổi số. Trên thực tế, theo dự báo của IDC, đến năm 2020, chi phí cho chuyển đổi số toàn cầu đạt khoảng 2.000 tỷ USD. Đây là cơ hội lớn cho giấc mơ trở thành công ty hàng đầu về chuyển đổi số trên thế giới của FPT.
- Chiến lược để FPT hiện thực hóa giấc mơ tuổi 30 này là gì?
- FPT đang ở độ tuổi tam thập nhi lập, chín chắn hơn, kinh nghiệm hơn, nhưng vẫn giữ được ngọn lửa đam mê dấn thân, tiên phong trong mọi lĩnh vực công nghệ như ngày bắt đầu. Tuy nhiên, vì đã có kinh nghiệm nên chúng tôi hiểu rằng muốn đi xa phải đi cùng nhau, và phải đi cùng đồng đội “xịn”. Do đó FPT ưu tiên hàng đầu xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp về kiến trúc số, khoa học dữ liệu, AI; thu hút nhân tài của Việt Nam và thế giới cùng tham gia với FPT.
Thương vụ M&A với Intellinet là một trong những hoạt động giúp chúng tôi nhanh chóng có đội ngũ chuyên gia tư vấn đẳng cấp quốc tế. Chúng tôi sẽ “nuôi” một đội tuyển và thu hút tinh hoa của thế giới tham gia “đá” cho đội nhà, để một ngày nào đó, Việt Nam sẽ có những chuyên gia hàng đầu như đương kim vô địch World Cup 2018 có Mbappe.
Ngoài ra, FPT sẽ đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác cấp cao với các tập đoàn lớn trên thế giới để cùng tham gia phát triển và thương mại hóa các dịch vụ chuyển đổi số dựa trên những nền tảng công nghệ IoT, AI, Blockchain…..
Chúng tôi cũng sẽ đi sâu vào các ngành công nghiệp để trở thành một công ty am hiểu mọi ngành nghề như vận tải, ôtô, hàng không, tài chính ngân hàng, truyền hình giải trí (CME – Comunications, Content Media & Entertainment)… Từ đó, kết hợp với thế mạnh công nghệ hiện có, chúng tôi có thể giúp các ngành, các lĩnh vực nâng cao sức cạnh tranh và đạt hiệu quả hoạt động cao nhất.
Chúng tôi cũng tích cực chuyển đổi số trong chính các hoạt động của tập đoàn để xem đây như ví dụ sinh động nhất cho khách hàng.
- Ông đánh giá như thế nào về những thách thức mà FPT phải vượt qua để hiện thực hoá giấc mơ mới này?
- Thách thức lớn nhất chính là quyết tâm và đam mê. Nếu không có hai yếu tố này thì chắc chúng tôi đã không quẫy đạp quyết liệt như thế khi bắt đầu bước chân vào lĩnh vực xuất khẩu phần mềm. Ở thời điểm này, mọi thứ đã vào guồng nhưng khó khăn, thách thức sẽ còn lớn hơn nữa, nó đòi hỏi sự quyết tâm và đam mê nhiều hơn nữa của đội ngũ lãnh đạo và 30.000 nhân viên FPT.
Với chúng tôi, một cuộc chơi mới trên sân chơi toàn cầu lại vừa mới bắt đầu.
Chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây…, thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty… Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao. |
Phạm An