Trong bối cảnh thị trường việc làm ngày càng trở nên khốc liệt và khan hiếm hơn do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều quảng cáo tuyển dụng ở Trung Quốc hiện nay đặt giới hạn độ tuổi ứng viên là 35, khiến không ít người cập kề ngưỡng tuổi trung niên cảm thấy không chắc chắn về tương lai của họ.
Những phàn nàn về tình trạng phân biệt tuổi tác trên thị trường việc làm, bao gồm cả các vị trí trong ngành dịch vụ, đang tràn ngập mạng xã hội Trung Quốc. Truyền thông nhà nước thậm chí còn đặt tên cho xu hướng này là "Hiện tượng tuổi 35".
David Huang, ngoài 40 tuổi, những ngày gần đây luôn cảm thấy lo âu. Sau khi xưởng sản xuất quần áo nhỏ do anh làm chủ ở tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, đóng cửa hồi năm ngoái, Huang phải lang thang khắp các khu chợ và dựng quầy hàng ven đường để cố bán nốt khoảng 10.000 bộ quần áo còn tồn.
"Tôi gần 50 rồi. Tôi sẽ đi tìm việc ư? Không thể. Không có công việc nào cho tôi cả. Tìm việc thực sự khó khăn", Huang nói. "Chỉ cần nhìn vào tình trạng kinh doanh tồi tệ của những cửa hàng bán lẻ quần áo ở Quảng Châu thì bạn sẽ thấy hoạt động bán buôn và sản xuất hàng may mặc hiện tại tồi tệ đến mức nào".
Trên Zhihu, trang web chuyên hỏi đáp của Trung Quốc, một chủ đề mang tên "Làm thế nào để một người thất nghiệp 40 tuổi sống tiếp?" đã đạt hơn 27 triệu lượt xem kể từ năm 2019. Trong các bài đăng, người dùng chia sẻ nỗi thất vọng về quá trình họ tìm kiếm việc làm ở tuổi trung niên. Tình hình chỉ càng xấu đi khi đại dịch quét qua.
Gần 2/3 số người trên 35 tuổi bị cho nghỉ việc vào tháng ba năm ngoái đến tháng 9 vẫn cố gắng kiếm việc, theo một báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc công bố tháng trước, dựa trên dữ liệu và khảo sát từ cổng thông tin việc làm Zhaopin.
Từ tháng 2 đến tháng 9, số người trên 35 tuổi nộp hồ sơ lên trang Zhaopin tăng 15% so với cùng kỳ năm trước đó, nhiều gấp đôi so với số người dưới 35 tuổi. Số đơn xin việc tăng mạnh nhất ở những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch như bán lẻ hay bán buôn.
Kết quả là gần một nửa số người xin việc trên 35 tuổi rơi từ nhóm thu nhập trung bình hoặc cao xuống nhóm thu nhập thấp bởi tiền lương của họ giảm đáng kể. Hơn 70% nói họ phải đối mặt không ít áp lực khi phải trả tiền vay mua nhà cùng những chi phí khác như giáo dục cho con cái hay hóa đơn y tế.
Phân biệt tuổi tác là bất hợp pháp tại nhiều quốc gia, song không phải ở Trung Quốc, nơi đang đau đầu vì dân số già và lực lượng lao động bị thu hẹp sau ba thập kỷ áp dụng chính sách một con.
Bắc Kinh chưa công bố tỷ lệ sinh năm 2020 hay cập nhật số liệu dân số sau một cuộc điều tra toàn quốc hồi cuối năm ngoái, tuy nhiên, tỷ lệ sinh của Trung Quốc được cho là sẽ giảm trở lại sau khi nước này bỏ chính sách một con hà khắc.
Mặc dù vậy, nhiều công ty vẫn ưu tiên những sinh viên mới tốt nghiệp trẻ tuổi và năng động hơn so với các lao động trung niên bởi họ sẵn sàng nhận mức lương thấp hơn cho công việc tương tự.
Xu hướng này được thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực công nghệ đang phát triển mạnh của Trung Quốc, nơi một số công ty Internet áp dụng thứ văn hóa làm việc mang tên "996", từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần. Hầu hết những lao động trên 35 tuổi được xem là quá già để có thể xử lý khối lượng công việc lớn như vậy.
Tang Ying, 36 tuổi, gần đây rơi vào tình trạng mất ngủ và trầm cảm vì nguy cơ mất công việc nhân viên hành chính lễ tân tại một công ty công nghệ nhỏ ở Quảng Châu.
2020 là một năm ác mộng đối với Tang. Hôn nhân đổ vỡ và cô còn mắc bệnh lao phổi. Trở lại làm việc sau khi hồi phục, cô bị công ty giao nhiều công việc hơn bình thường. Tang cho rằng họ làm thế vì muốn cô nghỉ việc.
Tuy nhiên, Tang vẫn bám trụ vì sợ rằng không có bằng đại học, cô khó lòng tìm được công việc ở nơi nào khác.
"Tôi rất sợ. Tôi không đủ tự tin gửi hồ sơ của mình đi", Tang nói. "Nhiều nơi chỉ muốn tuyển người dưới 35 tuổi. Tôi đã đấu tranh với suy nghĩ này rất nhiều. Tất cả những gì tôi nghĩ tới là cố gắng bám lấy công việc hiện tại mà thôi".
Khảo sát từ Zhaopin cho thấy dù cơ hội việc làm tại các thành phố nhỏ nhiều hơn so với những thành phố hàng đầu, những người tìm việc ở độ tuổi trung niên vẫn do dự khi phải chuyển gia đình ra khỏi các khu vực giàu có và phát triển bậc nhất Trung Quốc, ví dụ Quảng Châu.
Theo Jim Yang, 38 tuổi, cựu nhân viên kinh doanh tại tập đoàn viễn thông Huawei, bằng tốt nghiệp đại học và kinh nghiệm làm việc phong phú không nhất thiết sẽ mang lại lợi thế cho bạn.
Việc các trường đại học tăng cường tuyển sinh khiến tấm bằng cử nhân không còn quá quan trọng như cách đây một thập kỷ, Yang cho hay. Các công ty không còn gặp khó khăn khi thay thế những lao động lâu năm nữa bởi lực lượng sinh viên mới tốt nghiệp hoàn toàn đủ khả năng tiếp thu kinh nghiệm mà họ có.
Một trở ngại khác đối với các cựu nhân viên của những tập đoàn lớn như Huawei là họ gặp khó khăn trong việc đáp ứng hàng loạt yêu cầu cùng lúc từ các công ty nhỏ hơn.
Yang phải mất ba tháng để tìm được công việc mới tại một công ty sản xuất robot nhỏ, với mức lương thấp hơn. Trong khi đó, một số đồng nghiệp cũ của anh đã quay trở lại làm nhân viên hợp đồng cho Huawei với mức lương và phúc lợi xã hội thấp hơn. Họ không thể tìm việc ở nơi nào khác.
"Trong số những người bạn trên 35 tuổi của tôi đã rời Huawei, chỉ khoảng 40% giữ được cuộc sống ổn định", Yang nói. "Dù kiếm được ít hơn so với những năm làm việc tại Huawei, thu nhập hàng tháng của họ vẫn rơi vào khoảng 20.000 nhân dân tệ (hơn 3.000 USD) đến 40.000 nhân dân tệ (hơn 6.000 USD)".
"60% còn lại khá khốn đốn. Họ hoặc thất nghiệp trong thời gian dài và đầu tư vào cổ phiếu hoặc hợp tác với những người khác để bắt đầu kinh doanh, nhưng không nhận lương, chỉ lấy cổ tức. Một số ly hôn và không có việc làm, phải bán nhà, trở về quê sống", Yang kể.
Sunny Dong, giám đốc tuyển dụng tại một công ty tư vấn giáo dục có trụ sở ở Thượng Hải, cho biết nhiều công việc ở Trung Quốc đặt giới hạn tuổi là 35 nhưng trong một số trường hợp, yêu cầu không quá nghiêm ngặt.
"Tôi có những người bạn là nhà tuyển dụng, họ không muốn ứng viên trên 35 tuổi... nhưng nếu bạn giới thiệu cho họ một ứng viên tốt, có quan hệ rộng tại các trường quốc tế vào vị trí tiếp thị chẳng hạn, họ sẽ vẫn nhận. Vì thế, nó không phải là tuyệt đối", Dong cho hay. "Tất nhiên, có rất nhiều người thất nghiệp trên 35 tuổi. Tôi có vô số hồ sơ ở đây, toàn người sinh năm 1980, 1981, thậm chí một số người còn có thẻ xanh ở Anh, nhưng họ không thể tìm được việc ở cả Anh lẫn Trung Quốc".
"Nếu tất cả những gì bạn làm ở công ty cũ chỉ là viết báo cáo, tôi hoàn toàn có thể tìm một sinh viên mới tốt nghiệp cho điều đó", cô nói thêm.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)