Thu Trang có 7 năm kinh nghiệm kết nối thương mại đầu tư quốc tế và khởi nghiệp tại Việt Nam, 4 năm quản lý trong chuỗi cung ứng tại Mỹ và Trung Quốc. Trang từng giành học bổng thạc sĩ ngành chuỗi cung ứng tại Mỹ và hiện bảo vệ luận án tiến sĩ cùng ngành tại Đại học Tennessee (Knoxville), bang Tennessee.
Ngoài công việc nghiên cứu ở đại học, nghiên cứu sinh ngoài 30 tuổi đang chuẩn bị ứng cử cho vị trí giáo sư dự khuyết tại các trường nghiên cứu hàng đầu thế giới. Bận rộn nhưng Trang vẫn hỗ trợ một số ứng viên tiềm năng phỏng vấn, tìm kiếm học bổng và viết luận để xin hỗ trợ tài chính tại Mỹ. Cô nhận ra một số lỗi khiến các bạn khó có được công việc như ý, đặc biệt công việc có tài trợ H1B (visa việc làm không định cư) và thẻ xanh tại Mỹ.
1. Không tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp
Doanh nghiệp Mỹ thường không chỉ tìm người làm được việc mà còn muốn còn có thể hòa nhập được với văn hóa ở đó. Có doanh nghiệp tập trung kết quả và thích văn hóa năng động, nhưng một số nơi coi trọng sự hòa thuận vui vẻ giữa các phòng ban. Không ít doanh nghiệp hoặc bộ phận lại đặc biệt thích người thông minh, có thể không biết cách giao tiếp (các bộ phận kỹ thuật).
Biết về văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp bạn tự xem xét bản thân có phù hợp với nơi đó không trước khi ứng tuyển. Ngoài ra, khi biết văn hóa doanh nghiệp, bạn có thể điều chỉnh tổng thể bài phỏng vấn để thể hiện mình là người có ít nhất hai đến ba giá trị mà doanh nghiệp cần.
Bạn có thể tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp trên Google bằng cách đánh tên công ty và values (những giá trị) hoặc trên Glassdoor (trang web của Mỹ, nơi nhân viên hiện tại và trước đây đánh giá ẩn danh công ty).
2. Nói quá nhiều về thành quả bản thân
Lỗi này đặc biệt phổ biến với các bạn chuyển ngành nghề sau thạc sĩ hoặc chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Lỗi được thể hiện rõ nhất khi bạn được hỏi câu: "Tại sao bạn muốn làm việc tại công ty A?". Nhiều bạn trả lời như sau: "Vì tôi muốn học hỏi, thử thách bản thân. Tôi có kinh nghiệm rất phù hợp với công ty".
Nhưng thực tế, câu này có hai vế và vế quan trọng hơn là bạn thích công ty ở điểm nào (thường là về văn hóa). Bạn phải trả lời vế này trước, sau đó nối vào vế sau: "Vì văn hóa doanh nghiệp như vậy, nên tôi nghĩ sẽ học được rất nhiều. Với kinh nghiệm của tôi trong mảng... kết hợp với văn hóa khuyến khích, hỗ trợ của doanh nghiệp, tôi sẽ đi xa hơn".
3. Liệt kê hồ sơ
Lỗi này thường xảy ra là do các bạn luyện trong vòng một phút phải nói hết được những điểm sáng của bản thân (bullet points). Nhưng bạn nên nhớ, người phỏng vấn dễ liên hệ với tình cảm hơn là những điểm sáng của bạn.
Ví dụ khi được hỏi câu về thất bại, bạn có xu hướng trả lời: "Tôi đã thất bại trong việc A, nhưng sau đó học được rất nhiều, và lần sau khi thực hiện một dự án khác, tôi làm được tốt hơn".
Tuy nhiên, điều người phỏng vấn dễ liên hệ hơn là: "Tôi đã thất bại trong việc A, cụ thể thất bại là... Tôi đã cảm thấy bất lực, mệt mỏi, hơi mất bình tĩnh và không biết tại sao. Sau đó tôi đã trấn tĩnh, suy nghĩ chín chắn hơn, kêu gọi sự giúp đỡ của người khác, và nhận ra lỗi của mình. Tôi đã sửa được lỗi dù hơi chậm nó làm tôi vững vàng hơn trong những lần chẳng may làm sai sau này".
Câu thứ hai không chỉ tạo sự đồng cảm của người phỏng vấn mà còn thể hiện sự trưởng thành trong tình cảm, khả năng làm việc nhóm của bạn.
4. Nói không để người phỏng vấn hỏi
Câu hỏi "Tell me about yourself" thường nhận được nhiều bullet points nhất. Nhiều bạn sợ nói không đủ nên nói nhiều và liên tục. Ví dụ câu các bạn thường trả lời là: "Tôi đi thực tập ba lần. Lần một tại công ty A, tôi học được... Lần hai, tại công ty B, tôi học được...".
Thế nhưng người phỏng vấn lại muốn nghe: "Tôi lớn lên ở một làng quê nghèo, không có gì ngoài lúa nhưng tôi thích đọc sách, đọc về Mỹ, châu Âu nên quyết tâm thi và được học bổng tại Mỹ. Khi đến đây, tôi cảm thấy còn rất nhiều điều muốn học, nên cố gắng đi thực tập. Mỗi lần thực tập, tôi học được nhiều kinh nghiệm hơn, xác định rõ hơn mình muốn làm gì. Sau khi xác định được, tôi nộp đơn cho công ty bạn vì có những điểm tôi tìm kiếm để phát triển bản thân...".
Câu hỏi mà người phỏng vấn có thể hỏi tiếp là: "Bạn thích đọc sách gì? Bạn thích du lịch ở đâu? Tại sao bạn nghĩ là công ty có A, B, C? Tại sao bạn nghĩ mình phù hợp?". Nếu để người phỏng vấn được nói nhiều hơn một chút, họ sẽ thích bạn hơn.
5. Hỏi cho có
Kết thúc bài phỏng vấn, các ứng viên thường nhận được câu hỏi: "Bạn còn câu hỏi gì không?". Trường hợp này, các bạn hay dùng những câu thường gặp trên mạng để hỏi rồi gật gù nghe xong và cúp máy mà không thực sự quan tâm đến câu trả lời. Nhưng đoạn hỏi ngược nhà tuyển dụng rất có ích vì bạn có thể hỏi họ về văn hóa, công việc mới.
Ví dụ nếu rất quan tâm đến sự hỗ trợ lẫn nhau trong nhóm, bạn có thể đặt câu hỏi: "Một điều tôi rất quan tâm là tôi từng làm việc nhóm khá nhiều và trong công ty hiện tại, văn hóa nhóm rất xuất sắc. Tại đây, tôi được làm với nhiều người có chuyên môn khác nhau và mọi người rất cởi mở nói chuyện. Vậy văn hóa làm việc nhóm ở công ty bạn thế nào?".
Khen công ty cũ là cách hiệu quả khi phỏng vấn, đồng thời thể hiện sự quan tâm của mình với văn hóa công ty mới.
Nếu hỏi về công việc mới, bạn có thể nói: "Trước đây, công việc của tôi là A, B, C, nhưng trong công việc mới lại cần B, Z, X... Tôi thấy mình có thể lấy C bù cho Z và học thêm X trong quá trình ở đây. Tôi nghĩ như vậy sẽ rất nhanh bắt nhịp với công việc. Ông thấy suy nghĩ của tôi như thế còn thiếu sót gì không?".
Với câu này, bạn thể hiện mình đã suy nghĩ với công việc mới, đồng thời có thể tranh thủ thêm thời gian nói về sự chuẩn bị nghiêm túc của mình cho công việc này. Nếu người phỏng vấn thấy bạn thiếu gì, họ sẽ bổ sung và bạn tranh thủ trả lời thêm là mình cũng có những kỹ năng mà người ta nói.
Trường hợp không có câu hỏi, bạn nên nói là: "Tôi nghĩ chưa có câu hỏi vào lúc này nhưng rất có thể cần thêm vào một thời điểm nào đó. Liệu tôi có thể xin liên lạc để hỏi thêm được không?". Câu này thực tế là hỏi xin danh thiếp, tiện hỏi xem bạn đỗ hay trượt.
Hoàng Thu Trang