Chiều 5/5, sau hai ngày công bố 164 trang cáo trạng và xét hỏi một số bị cáo, phiên xét xử 17 cựu cán bộ ngân hàng trong vụ lừa đảo 433 tỷ đồng đã bị hoãn. Chủ toạ Phan Huy Cương tuyên bố trả hồ sơ để điều tra thêm nhiều tình tiết chưa được làm rõ và sự mâu thuẫn trong lời khai của một số người.
Hai cá nhân sẽ tiếp tục được đối chất, lấy lời khai để xem xét lại liệu có dấu hiệu của hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gồm ông Đặng Nghĩa Toàn, hiện là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và bị cáo Quản Trọng Đức, cựu giám đốc chi nhánh Hà Nội Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, trong phần trả lời xét hỏi, Đức cùng thuộc cấp, bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương, cựu trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp phòng giao dịch Đông Đô, VietAbank, đưa ra hai phiên bản lời khai mâu thuẫn.
Hương khai "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành, chủ mưu vụ án, nói trước "không có tiền" song vẫn muốn cùng người khác mở sổ tiết kiệm qua hình thức hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu, tức mỗi người góp một phần.
Thành cũng nói rõ với Hương ý định sau này sẽ cầm cố số tiền gửi (sổ tiết kiệm) này để làm hồ sơ chứng minh năng lực tài chính đi "quan hệ xin dự án". Thành đề nghị Hương tạo điều kiện, nếu không "sẽ không gửi tiền vào VietAbank".
Hương cho hay do "chiều lòng khách hàng" đã báo cáo lại việc này với giám đốc Quản Trọng Đức để cùng giải quyết.
Hương ban đầu, Đức đề xuất xuất biên lai số dư nhưng Thành không đồng ý. Đức và Hương đã đề nghị làm theo phương án hai. Theo đó, ngoài việc phát hành sổ tiết kiệm đồng sở hữu theo quy định ngân hàng, sẽ phát hành thêm hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn và giấy đề nghị phong toả.
Đức chỉ đạo Hương lấy các biểu mẫu và Đức tự ý chỉnh sửa nội dung cho phù hợp biểu mẫu ngân hàng quy định, tự ký và đóng dấu. Việc này các nhân viên khác không được biết, Hương trình bày tại toà.
"Tôi hoàn toàn không đồng ý với lời khai trên của Hương. Tôi chưa từng gặp Thành, chỉ nghe sự việc qua Hương báo cáo. Tôi cũng không bàn bạc với Hương về việc lập các hợp đồng và sổ tiết kiệm sai quy định", bị cáo Đức ngay sau đó phủ nhận lời khai của đồng nghiệp.
Chủ toạ Phan Huy Cương chất vấn: "Bị cáo khai không biết, sao vẫn đồng ý ký, đóng dấu các biểu mẫu liên quan hồ sơ của Thành?". Đức cho rằng đây là "lỗ hổng" trong vận hành ngân hàng và bị cáo chỉ ký các văn bản theo đúng quy định, tức là khi quầy giao dịch và các bộ phận khác đã ký xác thực.
"Bị cáo không trực tiếp ngồi quầy, làm sao biết khách đã nộp đủ tiền chưa, chỉ tin tưởng vào các bộ phận, họ xác nhận, tức là khách đã nộp tiền", Đức nói.
Ngoài ra, Hương cũng khai, thường Thành không có tiền góp vào sổ tiết kiệm đồng sở hữu, nên Hương sẽ nhờ Đặng Thị Quỳnh Hương, Trưởng phòng khách hàng cá nhân, Phòng giao dịch Đông Đô (VietABank) "vay nóng" cho Thành, thông qua việc vay các khách hàng khác.
Những người này tuy không quen biết Thành nhưng Quỳnh Hương đứng ra bảo lãnh nên đồng ý cho vay. Cáo trạng xác định, Quỳnh Hương từng ít nhất 4 lần bảo lãnh vay dạng này cho Thành, tổng số tiền khoảng 53 tỷ đồng.
Với các trường hợp này, Quỳnh Hương và Thu Hương sẽ cùng nhau giám sát chặt chẽ quá trình gửi và vay ngay từ đầu. Sau đó, hai người sẽ nói với thuộc cấp, gồm giao dịch viên, kiểm soát viên và thủ quỹ, lập chứng từ và hạch toán để chuyển tiền cho Thành, rồi chỉ đạo nhân viên quầy giao dịch lập chứng từ vay tiền.
Nếu khoản vay vượt hạn mức phê duyệt của Đức, Quỳnh Hương sẽ chỉ đạo nhân viên của mình lập tờ trình để Đức ký, trình cấp trên (trung tâm phê duyệt VietABank) để khoản vay của Thành có thể được giải ngân trong ngày
Nếu không thể vay kịp tiền cho Thành, Hương sẽ chỉ đạo giao dịch viên vẫn lập Hợp đồng tiền gửi thể hiện Thành và đối tác đã cùng góp đủ tiền. Nhưng trong Sổ tiết kiệm (tức số tiền thực tế nộp vào) chỉ có số tiền đối tác của Thành góp. Tức dù không góp tiền, Thành vẫn có tên trong cả hai loại tài liệu này của ngân hàng. Và khi đó, số tiền trên hai loại tài liệu này thường vênh nhau một nửa, tức là khoản mà thực chất Thành không góp.
"Bị cáo thấy số tiền vênh như vậy mà không phát hiện ra, vẫn ký duyệt?", chủ toạ chất vấn. Đức giải thích ký các tài liệu này tại các thời điểm khác nhau trong ngày nên "không để ý".
"Bị cáo thấy mình có trách nhiệm khi không quản lý được hành vi của nhân viên, nhưng đến thời điểm chưa nhận thức được mình sai ở đâu", Đức nói và khẳng định không hưởng lợi từ Thành.
Trong vụ án, ngoài Đức, Quỳnh Hương và Thu Hương, có 14 cựu cán bộ thuộc 3 ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), Việt Á (VietABank) và Đại Chúng VN (PVcomBank) cùng bị truy tố do liên quan các vụ lừa đảo do Thành thực hiện từ năm 2016 đến 2018.
Cáo trạng xác định, Thành kinh doanh thua lỗ, nợ khoảng 80 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến 2018, Thành vay tiền với lãi suất cao, lấy tiền của người sau trả cho người trước.
Thời gian đầu, Thành trả nợ đúng hạn, tạo được lòng tin với người cho vay và cán bộ ngân hàng. Thành sau đó lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên Hợp đồng tín dụng để vay các ngân hàng với số tiền lớn.
Từ tháng 6/2018 đến 11/2018, Thành mất khả năng thanh toán các khoản nợ, bị cáo buộc cùng một số người nhiều lần dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của NCB, PVcomBank, VietABank và nhiều cá nhân.
Biết ông Đặng Nghĩa Toàn có tiền, Thành đề nghị vay bằng hình thức ông Toàn và vợ gửi tiền vào NCB hoặc PVcomBank rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành quản lý. Thành sẽ trả ngay cho vợ chồng ông Toàn khoản lãi ngoài là 4,2% một tháng và khi đến hạn sẽ trả sổ tiết kiệm cho ông Toàn để đến ngân hàng rút tiền gốc, còn lãi suất Thành được hưởng.
Có được sổ, Thành dùng thế chấp vay tiền tại NCB và PVcomBank. Đồng thời đề nghị Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Jeongho Landmark, làm quyết định bổ nhiệm vợ chồng ông Toàn làm giám đốc công ty để đưa vào hồ sơ vay tiền.
Cáo trạng xác định từ tại NCB, Thành vay của ông Toàn 50 tỷ đồng, đề nghị ông gửi tiền tiết kiệm thành 5 sổ vào NCB rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành giữ.
Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng sử dụng tư cách pháp nhân Công ty Jeongho Landmark, lập khống các Hợp đồng mua bán hàng hóa, sau đó cùng Tùng giả chữ ký vợ chồng ông Toàn trên các chứng từ và được NCB giải ngân 47,5 tỷ đồng.
Tại PVcomBank, Thành vay của ông Toàn 52 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Sổ tiết kiệm Thành giữ. Thành sau đó cũng cùng Tùng lập khống các chứng từ, giả chữ ký, dấu vân tay của vợ chồng ông Toàn để chiếm đoạt của PVB 49,4 tỷ đồng.
Tại VietABank, Thành tìm những người có tiền để vay với lãi suất cao hoặc rủ hợp tác làm ăn. Do không có tài sản đảm bảo để đề nghị đưa tiền trực tiếp nên Thành gợi ý gửi tiền tiết kiệm vào VietABank. Từ đó, Thành tìm cách vay hoặc rút tiền từ ngân hàng để sử dụng.
Đồng thời, Thành tiếp cận Nguyễn Thị Thu Hương đề nghị sẽ đồng sở hữu gửi số lượng tiền tiết kiệm lớn và VietABank sau đó sẽ cầm cố chính sổ tiết kiệm đó khi cho vay.
Với thủ đoạn trên, Thành thực hiện 27 vụ lừa đảo, chiếm đoạt của VietABank 273,9 tỷ đồng, của bốn cá nhân khác 63 tỷ đồng. Tổng thiệt hại của vụ án được xác định hơn 433 tỷ đồng.
Thanh Lam