Khoản 3 Điều 73 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người có một trong các hành vi vi phạm sau đây sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng:
- Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định hoặc phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
- Cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về kế hoạch trả thưởng, quy tắc hoạt động, lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp;
- Tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo về kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản;
- Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Ngoài ra, người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi nêu trên còn có thể bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính; buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.
Bên cạnh đó, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, theo quy định tại Điều 217a Bộ luật hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đối với tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, người có hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, người có hành vi vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội.