Người làm cho công ty đa cấp đã dẫn em ra cửa hàng cầm đồ và bắt ký vay 8 triệu với mức lãi 4.000 đồng một triệu một ngày, để lại thẻ sinh viên và chứng minh nhân dân bản gốc làm tin. Sau đó, em phải dùng 8 triệu mua hàng của công ty đa cấp đó. Giờ em phải làm sao để lấy lại tiền?
Thái Bình
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 48 Luật cạnh tranh năm 2004, việc “yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp” là một trong các hành vi “bán hàng đa cấp bất chính”. Hành vi này được xếp vào một trong những “hành vi cạnh tranh không lành mạnh” và bị xử lý theo Điều 36 Nghị định 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014. Cụ thể, tại khoản 3 quy định, phạt tiền doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ 60.000.000 đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
Phạt tiền gấp hai lần mức quy định tại Khoản 3 trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sau:
a) Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với hành vi quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 1 Điều này và hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này trừ trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được;
c) Buộc cải chính công khai.
Về thẩm quyền xử lý vi phạm: Các cơ quan quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp được quy định tại Chương 6 Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, bao gồm:
1. Cơ quan Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương;
2. Sở Công thương
Như vậy, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi tới cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương hoặc Sở Công thương tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp bán hàng đa cấp đóng trụ sở.
Trong quá trình điều tra phát hiện vụ việc cạnh tranh có dấu hiệu tội phạm, cơ quan có thẩm quyền phải kiến nghị ngay với thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh xem xét chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để khởi tố hình sự. Trong Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định một số tội danh liên quan như: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156), Tội kinh doanh trái phép (Điều 159), Tội lừa dối khách hàng (Điều 162), Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167), Tội quảng cáo gian dối (Điều 168), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139), Tội buôn lậu (Điều 153)....
Như vậy, tùy vào hành vi cụ thể cũng như tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện và doanh nghiệp có hành vi kinh doanh đa cấp bất chính có thể bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật cạnh tranh, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong Bộ luật hình sự.
Để bảo vệ quyền lợi có hiệu quả hơn, bạn có thể cùng những người bị hại khác yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp trả lại tiền đã “lừa”. Nếu doanh nghiệp đó không giải quyết hoặc gây khó khăn thì bạn và những người bị hại khác cần chuẩn bị chứng cứ, làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng như đã nêu ở trên.
Luật sư, thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội