Tranh biện là sử dụng lập luận chặt chẽ và logic có được từ việc thu thập, phân tích và xử lý thông tin nhằm bảo vệ quan điểm cá nhân và thuyết phục người nghe tin vào quan điểm đó. Tại các quốc gia phát triển với nền giáo dục tiên tiến, tranh biện là bộ môn được chú trọng giảng dạy trong nhà trường. Tại Việt Nam, ngày càng nhiều trung tâm mở các lớp hùng biện, thuyết trình hay tranh biện cho trẻ em.

Tranh biện là bộ môn được chú trọng giảng dạy tại các quốc gia phát triển với nền giáo dục tiên tiến.
Rèn tư duy phản biện
Lớp học tranh biện yêu cầu trẻ phải tìm cách lật lại vấn đề, phản bác và làm suy yếu các lý lẽ phản đối từ người khác. Từ đó các em được rèn luyện và phát triển tư duy phản biện ngay từ nhỏ.
Phát triển khả năng thuyết phục
Bằng cách xây dựng những lập luận vững chắc và sắc sảo, hậu thuẫn bằng những thông tin xác thực thu thập được, người tranh biện sẽ thuyết phục người nghe tin vào quan điểm của mình.
Biết lựa chọn câu từ hiệu quả
Trong quá trình tranh biện, trẻ em được yêu cầu lựa chọn những từ ngữ có sức biểu cảm cao, có giá trị bằng nhiều từ ngữ thông thường. Điều này giúp gia tăng hiệu quả của phát ngôn, giúp trẻ nói ít nhưng lại đạt được nhiều.

Lớp học tranh biện yêu cầu trẻ phải tìm cách lật lại vấn đề, phản bác và làm suy yếu các lý lẽ phản đối từ người khác.
Xây dựng sự tự tin
Trong quá trình tranh biện, học sinh phải tìm ra những luận điểm vững chắc để củng cố cho lập luận của mình. Khi đã có một hệ thống lập luận vững chắc, trẻ em tự tin biểu đạt quan điểm của mình trước người nghe dù cho người nghe đó là cha mẹ, giáo viên, bạn học hay một đám đông.
Biết cách lắng nghe
Tranh biện không phải là tranh cãi. Người giỏi tranh biện trước tiên cần lắng nghe hết những ý kiến đối lập và dùng lý lẽ, lập luận logic để phản biện, làm suy yếu lập luận của người có ý kiến đối lập. Thông qua các buổi tranh biện, học sinh được rèn luyện đức tính kiên nhẫn, lắng nghe và thấu hiểu người khác, dù họ có cùng quan điểm với mình hay không. Nhờ biết lắng nghe các ý kiến trái chiều, trẻ cũng tiếp thu được nhiều luồng quan điểm hơn, giúp trẻ biết suy nghĩ sáng tạo hơn.
Biết đào sâu nghiên cứu
Để đưa ra những lập luận chặt chẽ và giàu tính thuyết phục, người tranh biện cần nghiên cứu nhiều về chủ đề muốn nói. Học sinh do đó cần thu thập tài liệu, phân tích và xử lý các thông tin để chọn lọc những thông tin có thể củng cố cho quan điểm của mình. Qua đó học sinh có thể gia tăng tri thức về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

Tranh biện giúp học sinh gia tăng tri thức về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.
Kỹ năng làm việc nhóm
Trong nhiều cuộc tranh biện theo đội nhóm, học sinh không chỉ làm việc đơn lẻ mà còn phải kết hợp với đồng đội để thực hiện mục tiêu chung. Qua đó, trẻ phải học cách làm việc nhóm để phát huy sức mạnh của tập thể.
Nâng cao kỹ năng viết
Học tranh biện giúp trẻ rèn luyện kỹ năng lựa chọn từ ngữ, sử dụng các cấu trúc câu linh hoạt và hình thức tu từ để lập luận của mình giàu hình ảnh, sinh động và dễ đi vào lòng người. Đây đồng thời là những kỹ năng đặc biệt quan trọng để viết các bài luận trong các kỳ thi Anh văn mà trẻ em sẽ dự thi về sau.
(Nguồn: American Study)