Ý tưởng tủ lạnh hiển thị e-mail và người dùng có thể thao tác trực tiếp trên tủ để đặt mua hàng đã được nhắc đến nhiều lần. Các mẫu thiết kế vẫn được trưng bày hàng năm ở triển lãm CES tại Las Vegas (Mỹ) và năm nay cũng không phải ngoại lệ.
Samsung trình diễn chiếc tủ lạnh thông minh được trang bị camera và màn hình 21,5 inch, hỗ trợ kiểm tra tình trạng đồ ăn bên trong mà không cần mở tủ. Người dùng cũng có thể theo dõi thực phẩm ngay trên smartphone thông qua ứng dụng và đặt hàng bổ sung. Trong khi đó, LG cũng giới thiệu phiên bản tủ lạnh với khả năng tự động mở tủ khi nghe tiếng bước chân người đang tiến đến. Hãng này khẳng định sản phẩm của họ đủ thông minh để không nhận diện nhầm vật nuôi hoặc trẻ em chơi đùa gần đó...
Theo Telegraph, không thể phủ nhận những nỗ lực của các nhà sản xuất, nhưng chắc chắn sẽ chỉ một lượng nhỏ người dùng bỏ tiền ra mua những thứ như vậy. Lý do cũng tương tự như chẳng ai mua tủ cấp đông Electrolux Screenfridge (dù được đánh giá là đột phá) năm 1999 hay LG Digital DIOS năm 2000 vì lợi ích từ việc kết nối Internet mà những thiết bị này đem lại còn quá thấp nếu so với mức giá khổng lồ của chúng.
Ngoài tủ lạnh, có nhiều yếu tố để làm nên một ngôi nhà thông minh. Từ những chiếc bếp ga có thể bật tắt từ xa tới việc đóng mở cửa tự động, các công ty công nghệ đang tham vọng có thể chiếm một chỗ đứng trên thị trường tỷ đô mang tên Smarthome. Philips đang kinh doanh một loạt dòng bóng đèn kết nối tới mạng Wi-Fi gia đình. Samsung hứa hẹn mọi thiết bị gia dụng mà họ cho ra đời trong bốn năm tới sẽ "thông minh hơn". Apple và Google phát triển những nền tảng để các thiết bị trong nhà liên lạc với nhau qua smartphone.
Gần như mọi công ty ở Thung lũng Silicon (Mỹ) đang đầu tư cho IoT (Internet of Things - Internet của vạn vật) và đều công nhận đây là xu hướng của tương lại.
Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn cảm thấy chưa đủ thuyết phục. Một nghiên cứu của Deloitte năm 2015 cho thấy chỉ 2% hộ gia đình ở Anh trang bị hệ thống điều nhiệt thông minh. Tỷ lệ sử dụng hệ thống đèn thông minh, camera an ninh thông minh hay đồ gia dụng thông minh đạt con số tương đương. Cũng chỉ khoảng 5% người tham gia khảo sát nói họ sẽ mua một sản phẩm gia dụng thông minh trong năm tới.
Nhìn chung, người tiêu dùng chưa nhìn thấy những lợi ích mà smarthome mang lại khi so sánh với số tiền mà họ bỏ ra. Chưa kể, đôi khi, người dùng Internet lại bắt gặp những cảnh báo của một hãng bảo mật nào đó về nguy cơ bị tấn công thông qua những thiết bị gia dụng thông minh.
Chẳng hạn, chuông cửa kết nối Internet (có thể gửi thông tin đến điện thoại của người dùng khi ai đó bấm chuông) có thể dễ dàng bị hack, hay hệ thống mạng tại gia bị khống chế thông qua một chiếc tủ lạnh... Đáng sợ hơn, hacker sẽ khai thác camera an ninh và biết được mọi thứ diễn ra trong ngôi nhà. Chúng có thể dùng những thông tin đó cho mục đích xấu như ăn trộm, tống tiền, phát tán lên mạng...
Những lo lắng này không phải không có cơ sở. Cuối tháng 12/2015, chính phủ Ukraine cho biết tình trạng mất điện liên tục tại quốc gia này có thể là do hacker can thiệp vào hệ thống quản lý điện lưới, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân. Từ cách đây 2 năm, khảo sát của Ipsos Mori cho thấy chỉ 18% người tham gia đánh giá cao tiềm năng của thiết bị thông minh mà không lo ngại những nguy cơ bảo mật.
Có thể, phải 10 năm nữa, người dùng mới cởi mở hơn với những sản phẩm smarthome. Tuy nhiên, các nhà sản xuất không dám đứng ngoài cuộc chơi khi nhớ tới bài học của Nokia. Thị trường điện thoại chứng kiến sự lụi tàn của "ông vua" đến từ Phần Lan bởi họ không kịp thay đổi trước làn sóng smartphone thế hệ mới do Apple đi đầu. Do đó, điều quan trọng hiện nay là các hãng cần tìm ra những giải pháp thực sự thông minh và mang lại lợi ích khiến người dùng sẵn sàng bỏ tiền mua kể cả khi những lo ngại về bảo mật không bao giờ biến mất.
Châu An