Trước thực trạng nhiều xe đi chậm ở làn 1 gây xung đột giao thông, nhóm chuyên gia của Đại học Giao thông Vận tải mới đây đề xuất nghiên cứu xe tải chỉ được đi ở làn 2 (làn giữa) và làn 3 (ngoài cùng bên phải, sát làn dừng khẩn cấp).
Nhóm nghiên cứu nêu kết quả khảo sát cho thấy phần lớn phương tiện đi làn số 1 và 2 trên cao tốc 6 làn xe, đặc biệt xe tải cũng có xu hướng chọn đi hai làn này. Các phương tiện chạy tốc độ thấp hơn 60 km/h chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt nhiều xe chạy dưới 40 km/h ở làn số 1 khiến các xe khác phải vượt bên phải. Do vậy, nếu quy định xe tải chỉ chạy làn 2 hoặc 3 sẽ giúp tăng khả năng lưu thông làn 1.
Đề cập ưu điểm của giải pháp trên, đại diện Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), đơn vị vận hành cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đánh giá các phương tiện sẽ gia tăng khả năng lưu thông trên cao tốc. Ví dụ, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có ba làn mỗi chiều, nhiều xe tải, xe container chỉ chạy tốc độ 80-90 km/h ở làn 1 (quy định 80-120 km/h), ảnh hưởng đến xe khác cần vượt. Trong khi, đáng lẽ các xe này lưu thông ở làn 3, tốc độ 60-100 km/h.
Vị này cũng nêu thực trạng có thời điểm nhiều xe chạy chậm, dàn hàng ngang trên làn 1 và 2 khiến xe đi sau khó vượt, gây ức chế cho người tham gia giao thông. "Phần lớn xe tải chở hàng nặng, chạy không nhanh như xe con nên có thể bố trí sang làn 2 hoặc 3", đại diện VIDIFI nói.
Đồng tình quan điểm trên, TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Việt Nam, phân tích một số phương tiện đi không đúng làn, tốc độ thấp, thậm chí thấp hơn tốc độ tối thiểu nhưng lại đi sát dải phân cách cao tốc. Điều này buộc xe khác phải thường xuyên tránh, chuyển và vượt ở bên phải.
"Tránh vượt, chuyển làn liên tục, xe tốc độ cao đan xen tốc độ thấp tạo ra nhiều tình huống nguy hiểm trên cao tốc, gây bức xúc cho lái xe", ông Minh nói.
Ngoài ra, xe khách, xe tải chạy tốc độ cao ở làn 1 (tối đa 120 km/h) nếu có va chạm, thiệt hại người và tài sản sẽ rất lớn. Bởi vậy phần lớn các nước quy định xe khách và xe tải có tốc độ giới hạn thấp hơn xe con trên các tuyến đường. Trong khi ở Việt Nam, xe khách, xe tải lại được chạy tốc độ như xe con trên các tuyến đường cắm biển báo tốc độ.
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nguyên tắc "phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải". Tuy nhiên, cao tốc là loại hình mới và nguyên tắc này chưa được cụ thể hóa nên dẫn tới bất cập trên.
Từ phân tích trên, TS Trần Hữu Minh đề xuất cơ quan chức năng nghiên cứu tốc độ xe theo hai hướng. Thứ nhất, quy định biển báo tốc độ chỉ áp dụng với xe con tiêu chuẩn. Xe khách có tốc độ giới hạn thấp hơn xe con và xe tải có tốc độ giới hạn thấp hơn xe khách. Ví dụ, trên một tuyến đường có biển báo tốc độ 120 km thì xe con được chạy tối đa 120 km/h, xe khách 100 km/h, còn xe tải 90 km/h.
Thứ hai là phân làn rõ xe con, xe khách, xe tải, quy định tốc độ cụ thể cho từng làn và tốc độ tối thiểu trên tất cả cao tốc.
"Việc kiểm soát tốc độ từng loại xe theo làn qua biển báo giao thông rất rối. Đưa quy định tốc độ xe trên cao tốc vào quy tắc chung trong Luật Giao thông sẽ đơn giản và hiệu quả hơn", ông Minh nói, dẫn chứng Anh, Australia, Mỹ đều quy định rõ xe khách và xe tải phải chạy tốc độ thấp ở làn ngoài cùng bên phải.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, các nước thường chia tốc độ lưu thông theo làn đường, nếu phân làn cao tốc theo loại phương tiện sẽ "trái thông lệ quốc tế". "Với cao tốc 6 làn trở lên, có thể áp dụng làn 1 dành cho xe muốn vượt để tăng khả năng lưu thông trên đường. Cảnh sát giao thông cần xử phạt nghiêm xe chạy dưới tốc độ tối thiểu trên cao tốc thay vì chỉ chú ý phạt xe vượt tốc độ quy định", ông Thanh nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia không đồng ý với đề xuất cấm xe tải đi làn 1 trên cao tốc 6 làn. Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân, lấy ví dụ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến huyết mạch ở cửa ngõ phía nam Hà Nội với ba làn xe mỗi chiều, lưu lượng khoảng 70.000 xe mỗi ngày, luôn trong tình trạng ùn tắc mỗi khi có xe gặp sự cố. Do vậy, việc phân làn theo loại xe hay tốc độ rất khó thực hiện.
"Nếu cấm xe tải ở làn 1, các phương tiện sẽ bị ùn ở làn 2 và 3 vì cả cao tốc đều có lưu lượng lớn. Lực lượng chức năng không thể xử phạt khi nhiều thời điểm xe phải đi chậm ở cả ba làn", ông Oánh nói, cho rằng nếu cao tốc mở rộng lên 8 làn thì mới có thể áp dụng đề xuất trên.
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ kinh tế, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, phân tích nếu hạn chế chạy làn 1 (làn có tốc độ cao nhất), xe tải chỉ được chạy trung bình 70-80 km/h sẽ ảnh hưởng thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng giá cước vận tải và chi phí logistics.
"Tốc độ lưu thông đã được tính toán theo cơ sở thiết kế đường cao tốc, nếu phân chia loại xe theo từng làn sẽ mang tính phân biệt với xe tải. Trong khi đó, loại xe này cần được ưu tiên lưu thông để không ảnh hưởng chi phí vận tải", ông Quyền nói.
Ở Việt Nam, dự kiến cuối năm 2023 cả nước sẽ có 1.852 km cao tốc được đưa vào khai thác. Tuy nhiên, chế tài sử dụng làn đường cao tốc với các loại phương tiện chưa đầy đủ, rõ ràng, theo đại diện nhóm nghiên cứu của Trường đại học Giao thông Vận tải.
Luật Giao thông đường bộ hiện hành không quy định cụ thể làn đường cho từng loại phương tiện và nguyên tắc ứng xử với xe chạy chậm trên cao tốc không nhường đường cho xe muốn vượt. Tuy nhiên, các lái xe phải tuân thủ quy định như: Không được cho xe chạy ở làn dừng khẩn cấp và phần lề đường; không được chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo, sơn kẻ trên mặt đường.