Cho đến cuối tuần trước, Bắc Kinh vẫn ở trạng thái "yên bình" hậu Covid-19. Trong 55 ngày, thủ đô của Trung Quốc không ghi nhận bất cứ ca dương tính cộng đồng nào. Các doanh nghiệp và tường học mở cửa sau thời gian dài. Người dân quay trở lại làm việc. Các phương tiện giao thông công cộng một lần nữa đông đúc. Cuộc sống gần như quay về giai đoạn trước khi dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên, chuỗi ngày "bình thường mới" đột ngột bị phá vỡ bởi cụm dịch tại chợ đầu mối Tân Phát Địa, đến nay đã lây nhiễm cho hơn 180 người.
Chỉ vài ngày, nơi sinh sống của hơn 20 triệu người bị phong toả một phần. Nhà chức trách thực hiện các biện pháp từng được sử dụng đối với Vũ Hán hồi tháng 1 như hạn chế đi lại các khu dân cư, đóng cửa trường học và cấm hàng trăm người có nguy cơ lây nhiễm rời thành phố. Hơn 356.000 công dân được xét nghiệm để kịp thời cách ly nếu cần thiết.
Sự bùng phát ở Bắc Kinh - trung tâm kinh tế chính trị, nơi từng được coi là an toàn nhất cả nước trong thời kỳ đại dịch, là lời nhắc nhở rõ ràng về việc nCoV có thể quay trở lại bất cứ lúc nào, ở cả các khu vực tưởng chừng đã khống chế được virus.
Trước đó, chính quyền vừa hạ cảnh báo khẩn cấp xuống mức ba. Đến ngày 16/6, thành phố phải nâng trở lại mức hai.
Những câu chuyện tương tự xảy ra liên tục trong vài tháng trở lại đây. Khi giới y tế vừa mới thành công ngăn chặn Covid-19 ở một nơi nào đó, căn bệnh đột ngột quay trở lại.
Hàn Quốc từng được ca ngợi là nước chống dịch nhanh chóng và hiệu quả, thông qua biện pháp xét nghiệm chủ động. Đầu tháng 5, sau khi nới lệnh hạn chế, một ổ dịch tại các quán bar ở Itaewon khiến số ca nhiễm tăng vọt. Singapore trải qua tình huống tương tự. Đợt bùng phát bắt nguồn từ một khu ký túc xá đông đúc của lao động nhập cư.
Tại Trung Quốc, đợt dịch đầu tiên được ngăn chặn vào khoảng cuối tháng 3, phần lớn nhờ vào biện pháp giãn cách xã hội. Nước này đóng cửa biên giới, sàng lọc nghiêm ngặt tại sân bay, cửa khẩu và cách ly tất cả người dân hồi hương. Các trường hợp dương tính mới tháng 4 và tháng 5 (trước cụm dịch Tân Phát Địa) đều là từ nước ngoài trở về.
Đến nay, nhà chức trách vẫn chưa thể đưa ra kết luận về nguồn gốc của virus tại Bắc Kinh.
Các báo cáo sơ bộ nghi ngờ nó xuất phát từ hải sản hoặc thịt nhập khẩu, sau khi được tìm thấy trên thớt thái cá hồi. Song, nhiều chuyên gia khác lo ngại virus đã âm thầm lây lan nhiều tuần trước khi được phát hiện.
"Đợt bùng phát ở Bắc Kinh có lẽ không bắt đầu vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, mà trước đó một tháng", ông Gao Fu, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), phát biểu tại cuộc họp ở Thượng Hải hôm 16/6.
"Chắc chắn đã có rất nhiều bệnh nhân không triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ ở chợ, đó là lý do vì sao virus được tìm thấy rất nhiều trong môi trường", ông nói.
Trong những tháng qua, một số chuyên gia y tế Trung Quốc lần lượt cảnh báo nguy cơ xảy ra làn sóng Covid-19 thứ hai, ngay cả khi truyền thông đại lục liên tục nói về thành công của chính phủ trong việc ngăn chặn đại dịch.
Tại cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN hồi tháng 5, Viện sĩ Chung Nam Sơn, cố vấn y tế cấp cao của chính phủ, cho rằng nước này vẫn sẽ gặp phải mối nguy liên quan đến sự trở lại của virus.
"Phần lớn người dân Trung Quốc vẫn dễ nhiễm nCoV vì chưa có khả năng miễn dịch. Chúng tôi đang đối mặt với thách thức lớn. Tình hình không khả quan hơn các nước khác", ông khẳng định.
Cụm dịch mới ở Bắc Kinh sẽ là phép thử đối với chiến lược ngăn chặn Covid-19 của Trung Quốc.
Hôm 18/6, Wu Zunyou, trưởng nhóm chuyên gia dịch tễ tại CDC, đã tuyên bố tình hình ở thủ đô "trong tầm kiểm soát". Ông cho biết khả năng sẽ còn các ca dương tính liên quan đến chợ Tân Phát Địa được ghi nhận trong những ngày tới, nhưng không phải do chuỗi lây truyền mới.
Theo ông, đợt bùng phát mới ở Bắc Kinh không phải điều quá bất ngờ, bởi số lượng các ca mắc trên toàn cầu vẫn có xu hướng leo thang.
Tuy nhiên, tình trạng ở thành phố cho thấy ngay cả nCoV đã suy yếu, cuộc sống người dân khó có thể quay trở lại bình thường. Tốc độ, cách thức lây lan của virus, đối tượng và lý do bị ảnh hưởng, đều cho thấy việc nâng cao cảnh giác là cần thiết.
Thục Linh (Theo CNN)