Thông qua giải mã trình tự gene, Tiến sĩ Zeng Guang, chuyên gia Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, tiết lộ chủng nCoV được tìm thấy tại chợ đầu mối Tân Phát Địa không giống với loại xuất hiện ở Vũ Hán hồi tháng 1 năm nay.
Đến sáng 16/6, trong cuộc phỏng vấn với kênh tin tức nhà nước CGTN, tiến sĩ Wu Zunyou, giám đốc dịch tễ của CDC, cũng nhận định virus ở thủ đô là một "chủng dịch lớn" từ châu Âu.
Yang Zhanqiu, phó trưởng khoa sinh học mầm bệnh tại Đại học Vũ Hán, cho rằng chủng này thậm chí dễ lây lan hơn so với trước đó, dựa trên dữ liệu thống kê.
Đến nay, Bắc Kinh ghi nhận tổng cộng 137 người nhiễm nCoV, trong đó 19 ca ở quận Phong Đài, tây nam Bắc Kinh, nơi bùng phát ổ dịch tuần trước.
Ông lưu ý rằng Ủy ban Y tế Vũ Hán bắt đầu công bố thống kê bệnh nhân Covid-19 kể từ cuối tháng 12 năm ngoái. Đến ngày 17/1, số ca nhiễm lên 62. Trong khi đó, chỉ 4 ngày (từ 11/6 đến 15/6), Bắc Kinh đã ghi nhận 79 ca. Dù năng lực xét nghiệm của Trung Quốc đã cải thiện nhiều, ông cho rằng con số vẫn cao ngoài sức tưởng tượng.
Quan trọng hơn, nước này đang bước vào mùa hè, nền nhiệt cao. Trong khi dịch khởi phát ở Vũ Hán cuối mùa đông, vốn là thời điểm lý tưởng để virus lây lan.
Trước đó, các chuyên gia dịch tễ đã tìm thấy mẫu nCoV trên thớt thái cá hồi trong chợ Tân Phát Địa, làm dấy lên giả thuyết mầm bệnh được "nhập khẩu" vào Bắc Kinh thông qua thực phẩm đông lạnh. Chen Xi, giáo sư y tế công cộng, Đại học Yale, đã đề nghị so sánh trình tự gene virus tại các quốc gia khác nhau, nhằm xác định xem chủng nCoV ở Bắc Kinh có thật sự đến từ các quốc gia xuất khẩu cá hồi hay không.
Tiến sĩ Yang cho biết việc giải mã trình tự gene virus giống với thử nghiệm DNA ở người. Kiểu gene không thể thay đổi trong một thời gian ngắn. Đột biến thường xảy ra sau hai, ba, thậm chí là 10 đến 20 năm. Như vậy tạm thời loại trừ khả năng mẫu nCoV ở Bắc Kinh là virus Vũ Hán đã biến chủng.
Các xét nghiệm riêng lẻ cũng cho ra trình tự gene khác nhau. Giới chuyên gia có thể dễ dàng phân biệt sự khác nhau đó.
Ông Yang nhận định hiện tượng này có thể tạo ra thách thức mới cho quá trình phát triển vaccine, khiến sản phẩm trở nên kém hiệu quả, thậm chí không có tác dụng.
"Vaccine sẽ phải ngăn ngừa được cả virus lưu hành ở Trung Quốc và châu Âu, gây khó khăn cho công tác điều chế", ông nói.
Bên cạnh đó, các chủng nCoV riêng biệt có thể gây ra các triệu chứng khác nhau hoặc khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, Tiến sĩ Yang gần như chắc chắn rằng virus sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển thuốc.
Trước câu hỏi gây tranh cãi về nguồn gốc của mầm bệnh Bắc Kinh, ông nhấn mạnh các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng Covid-19 không lây nhiễm cho các sinh vật dưới nước. Vì vậy, rất ít khả năng cá hồi đóng vai trò là vật chủ trung gian truyền bệnh trong ổ dịch ở chợ Tân Phát Địa. Tuy nhiên, người dân Trung Quốc đã bắt đầu tẩy chay loại hải sản này. Cá hồi bị đưa khỏi các siêu thị và nền tảng thương mại điện tử.
Giáo sư Chen Xi cho rằng công chúng không cần quá lo lắng về đợt bùng phát mới ở thủ đô, bởi chính quyền đại lục đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sau 4 tháng chống dịch.
Thục Linh (Theo Global Times)