Gần đây, băn khoăn có nên cho trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh đang là chủ đề nóng trong các cuộc họp bàn tròn của phụ huynh cũng như nhiều diễn đàn trao đổi kỹ năng làm cha mẹ.
Trong một buổi trò chuyện với câu lạc bộ phụ huynh ở TP HCM, chị Ngọc Ánh (quận 5), mẹ của bé gái 5 tuổi cho biết, mấy tháng trước chị thi thoảng cho con cầm chơi chiếc điện thoại cảm ứng của mình. Chẳng bao lâu sau bé đã thành thạo từng thao tác. "Từ đó cháu đâm ra mê chơi, hễ mẹ về đến nhà là đòi điện thoại, hết xem phim lại chơi game. Bây giờ việc gì cũng phải lấy điện thoại ra dụ, ngay cả ăn cơm cũng phải lấy điện thoại ra dỗ cháu mới chịu ăn".
Bà mẹ trẻ thở dài: "Nếu cứ kéo dài như này thì cháu đến nghiện mất. Tôi không biết phải làm sao".
Trong khi đó, anh Trung Quân (quận 2, TP HCM) thừa nhận chính vì quá dễ dãi với con trong việc sử dụng thiết bị thông minh nên hai con trai sinh đôi 7 tuổi của anh tiêm nhiễm những ngôn từ tục tĩu trên mạng. Năm ngoái, bà xã anh được công ty thưởng một chiếc iPad. Thấy các con thích chơi nên để cho 2 đứa thay phiên nhau sử dụng.
"Ban đầu vợ chồng tôi quản lý chặt, nhưng sau đó do bận công việc cả ngày nên có phần lơ là. Gần đây, bỗng nghe 2 đứa thi nhau hát những ca khúc chế lời rất phản cảm và nói câu thô tục, hỏi ra mới biết đều xuất phát từ trên mạng”, người đàn ông 39 tuổi chia sẻ.
Cũng đau đầu chuyện quản lý con trong thời đại công nghệ số, nhưng nỗi lo của chị Nga (quận Tân Bình) lại xuất phát từ một vấn đề khác. Con gái chị năm nay 7 tuổi, bé học giỏi, biết nghe lời nhưng khổ nỗi bị cận thị nặng. Đi khám, bác sĩ kết luận là do cháu sử dụng máy tính quá nhiều.
Bà mẹ trạc tuổi 40 cho biết, vì kinh tế gia đình khá giả nên cho con dùng máy tính bảng từ rất sớm. Ban đầu chị chỉ mua về chủ yếu để cho bé học hát và làm quen với Anh văn. Công chúa nhỏ học rất nhanh, sử dụng máy thành thạo và tỏ ra hiểu biết nhiều, cũng vì vậy mà bố mẹ lơi dần việc kiểm soát thời gian sử dụng của con. Kể cả những ngày nghỉ, bé luôn ôm khư khư máy để học, thậm chí đến đêm cũng cầm máy đọc truyện online trước khi ngủ.
"Gần đây cháu hay kêu đau đầu, chóng mặt, đi khám và đo mắt thì phát hiện bị cận nặng. Bác sĩ bảo do dùng máy tính quá nhiều nên tổn thương mắt và khuyên nên hạn chế sử dụng”, chị Nga chép miệng ngao ngán.
Trên các diễn đàn làm cha mẹ, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ nỗi lo về việc con sử dụng thiết bị thông minh như: Con tò mò, hễ vắng cha mẹ là vào những trang web không lành mạnh; con mê game hơn học, thích trò chơi bạo lực; con dùng máy tính nhiều sinh ra trầm cảm không thích giao tiếp…
Quan tâm đến thực trạng này, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Nhân, cố vấn chương trình giáo dục và phát triển giải pháp NAHI Kids nhìn nhận trong kỷ nguyên số, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, những đứa trẻ sinh ra đã được tiếp xúc với các thiết bị số như máy tính bảng, smartphone là rất phổ biến. Mặc dù ai cũng biết, thiết bị công nghệ cao luôn có hai mặt lợi và hại, song không phải cha mẹ nào cũng biết định hướng và có khả năng quản lý con hiệu quả.
“Thế giới số đang mang đến kho kiến thức gần như vô tận và miễn phí không chỉ dành cho người lớn mà còn rất hữu ích với trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt xấu và tốt, do đó việc cho trẻ sử dụng như thế nào là hợp lý để mang lại hiệu quả cao nhất mới là quan trọng", bà Thanh Nhân chia sẻ.
Trong một nghiên cứu mới đây, tiến sĩ Dimitri Christakis (bác sĩ Nhi khoa, Bệnh viện nhi đồng Seattle) khuyên cha mẹ nên giáo dục trẻ sử dụng thiết bị thông minh như thế nào để mang lại lợi ích thì tốt hơn là cấm đoán trẻ.
"Những ứng dụng và trò chơi mang tính giáo dục có tác dụng nhất định nếu nó hấp dẫn đứa trẻ và nhắc nhở bé tương tác với thiết bị. Điều đó cho thấy, nếu biết cách sử dụng và quản lý hiệu quả thì thiết bị thông minh sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện hơn trong từng giai đoạn và hạn chế đến mức thấp nhất những mặt xấu", ông nhấn mạnh.
Theo nhà giáo Nguyễn Thanh Nhân, đối với những trẻ tiếp xúc lần đầu, cha mẹ phải là người hướng dẫn và thường xuyên chơi cùng để tập thói quen tốt cũng như tránh trẻ truy cập vào ứng dụng không phù hợp, trò chơi bạo lực hay website không lành mạnh. Kế đó, người lớn phải chuẩn bị sẵn phương án và tâm lý giám sát chặt chẽ, không nên giao phó máy hoàn toàn cho bé. Hãy xem xét và kiểm tra từng ứng dụng trước khi cho phép trẻ sử dụng để đảm bảo toàn bộ nội dung phù hợp với độ tuổi của con, kịp thời thay thế trò chơi không phù hợp bằng ứng dụng mang tính giáo dục, có ích như cài những trò chơi dạng huấn luyện phản ứng.
Bên cạnh đó, tùy vào độ tuổi của trẻ mà giới hạn thời gian sử dụng phù hợp. Theo khuyến cáo, không nên cho trẻ ngồi chơi với thiết bị điện tử lâu 1,5 đến 2 tiếng mỗi ngày để bảo vệ thị giác, sức khỏe cho các em.
Điều quan trọng nhất là ngay từ bước đầu tiên khi quyết định chọn mua một sản phẩm công nghệ cho trẻ, phụ huynh nên tìm hiểu về sản phẩm, các chức năng hữu ích, nội dung vui chơi và học tập có phù hợp không, sản phẩm có công cụ quản lý cho cha mẹ không và kể cả những nhược điểm của thiết bị để có biện pháp quản lý tốt nhất. Bên cạnh đó, có thể tải những ứng dụng quản lý trẻ sử dụng máy tính như Kids Place – Parental Control, NAHI Kids – NAHI Parental Control, Kid Read...
"Đối với những bé bắt đầu có dấu hiệu nghiện, cha mẹ không nên quát mắng hay cấm cản ngay tức khắc mà cần dành thời gian để nói chuyện, cùng chơi với con để nắm bắt rõ nguyên nhân tiềm ẩn mà các em đắm chìm trong thế giới ảo là gì. Sau đó nên tìm cách lôi kéo trẻ ra chơi cùng bạn bè, hàng xóm để cho bé hoạt động bên ngoài nhiều hơn", nhà giáo Thanh Nhân khuyến cáo.
Thi Trân