Theo đó, công suất của dự án được tăng từ 4 triệu tấn lên 8 triệu tấn mỗi năm, tương ứng vốn đầu tư cũng tăng gần gấp đôi, từ 1,7 tỷ USD lên 3,18 tỷ USD. Trao đổi với VnExpress.net trước đó, ông Hồ Văn Tiến, Chánh văn phòng UBND tỉnh cho hay, nếu giữ nguyên công suất ban đầu thì dự án sẽ không có lãi, do đó chủ đầu tư đã đề xuất nâng công suất của nhà máy và đã được Thủ tướng chấp thuận.
Với việc tăng quy mô, nhu cầu sử dụng đất của nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô tăng lên 538 hécta, do vậy, UBND tỉnh Phú Yên cũng chấp thuận chuyển địa điểm đặt nhà máy từ Làng Thượng sang Khu công nghiệp Lọc hóa dầu Hòa Tâm thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên. "Diện tích hơn 185 hécta trước đây không đủ để triển khai", ông Tiến nói.
Theo kế hoạch, sau khi đi vào hoạt động Vũng Rô sẽ cung ứng cho thị trường sản phẩm lọc dầu từ dầu thô như xăng RON 92, RON 95, diesel, nhiên liệu phản lực... và các sản phẩm hóa dầu. Hiện nay, Thủ tướng cũng đã cho phép áp dụng một số cơ chế ưu đãi cho sản phẩm của nhà máy như được hưởng thuế xuất khẩu 0% đối với cả sản phẩm lọc và hóa dầu.
Tính toán của chủ đầu tư chỉ ra rằng, khi đi vào hoạt động, nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô sẽ đóng góp cho ngân sách khoảng 111 triệu USD mỗi năm, giải quyết khoảng 1.300 lao động trực tiếp và cung cấp một lượng xăng dầu lớn cho thị trường nội địa, giảm áp lực nhập khẩu trực tiếp như hiện nay.
Dự kiến, nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào quý III/2013. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần 2.
Như vậy, từ đầu năm đến nay việc tăng vốn của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Vũng Rô (Phú Yên) đã khiến cho cả nước thu hút được thêm khoảng 4,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Huyền Thư