![]() |
Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến hoạt động từ 2009 (KCN Dung Quất). |
Nhà máy Lọc dầu Nhơn Hội là dự án 100% vốn nước ngoài đầu tiên của ngành dầu khí, công suất 5 triệu tấn/năm, do một nhà đầu tư Hong Kong rót vốn 1,5 tỉ USD. Dự kiến báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được hoàn thiện trong 6 tháng, thời gian thi công 24 tháng, nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2009.
Một quan chức Vụ Năng lượng dầu khí Bộ Công nghiệp cho biết, phía VN đưa ra 3 điều kiện: Nhà máy phải bảo đảm công nghệ tiên tiến, tiêu chuẩn môi trường, sản phẩm phân phối tại thị trường nội địa nhưng phải chịu sự điều tiết giá của Nhà nước.
"Lọc dầu là lĩnh vực rất mới mẻ vì thế gói thầu trang thiết bị công nghệ, nhà đầu tư phải được tư vấn quốc tế thẩm định. Thận trọng như vậy để họ không nhập khẩu thiết bị rác vào VN", vị quan chức cho hay.
Theo khảo sát của chủ đầu tư, Bình Định có nền đất tốt, cảng Nhơn Hội đủ khả năng để đón tàu 70-100 nghìn tấn. Bình Định cũng không phải địa điểm du lịch, thích hợp cho phát triển công nghiệp hóa dầu. Một đặc điểm thuyết phục cơ quan quản lý VN là đối tác sử dụng dầu thô nhập từ Trung Đông, phù hợp với điều kiện sản lượng mỏ Bạch Hổ đang đi xuống.
Mới đây, dự án khả thi nhà máy lọc dầu tại Phú Yên do 2 đối tác Anh và Hà Lan liên kết đầu tư đã được trình Bộ Kế hoạch Đầu tư. Nhà máy này có công suất 3 triệu tấn/năm dự kiến sẽ đi vào hoạt động sau 2009.
Còn chỗ cho đầu tư nước ngoài
Theo chiến lược phát triển ngành dầu khí VN, năm 2009 nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ bắt đầu hoạt động cung cấp cho thị trường 6,5 triệu tấn xăng dầu, năm 2015 nhà máy Nghi Sơn công suất 7 triệu tấn hoạt động, năm 2020 một nhà máy lọc dầu dự kiến xây dựng tại miền Nam (hiện đang tìm địa điểm) công suất 7 triệu tấn/năm hoàn thành. Như vậy đến năm 2020, tổng lượng nhiên liệu VN có thể sản xuất đạt khoảng 20 triệu tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ lên đến 32 triệu tấn.
Bộ Công nghiệp cho biết vấn đề khó khăn nhất hiện nay là thiếu vốn. Hiện số tiền 2,5 tỷ USD cho dự án Dung Quất đã thu xếp xong, nhưng tìm nguồn vốn cho dự án nhà máy lọc dầu thứ hai tại Nghi Sơn đang vướng. Trong điều kiện này, những nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch tìm đến VN sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi và xem xét đề án trong thời gian nhanh nhất.
Trước đây, Dung Quất có chủ trương liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài song nhiều cuộc xe duyên không thành. Mối duyên với tập đoàn Total (Pháp) thất bại do phía nước ngoài đòi quyền phân phối sản phẩm và định đoạt giá, một đối tác khác là Zarubezhneft của Nga cũng xin rút lui hồi đầu năm 2003.
Phong Lan