Giữa tháng 4/2015, sau khi Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lên tiếng về việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất có nguy cơ phải đóng cửa vì thuế nhập khẩu cao, Bộ Tài chính đã cho phép điều chỉnh theo hướng giảm. Theo đó, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng đã giảm từ 35% xuống 20%, các mặt hàng dầu cũng giảm tương ứng 10-15%.
Việc điều chỉnh này giúp thu hẹp chênh lệch về thuế giữa hàng sản xuất từ nhà máy với sản phẩm nhập từ các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên BSR cho rằng mức điều chỉnh này vẫn chưa thỏa đáng với một số mặt hàng là mặt hàng dầu Diesel và nhiên liệu bay (Jet A1).
Với lý do “bán hàng theo Quyết định của Thủ tướng”, trong văn bản gửi đến cơ quan chức năng sau đó, BSR cho rằng mức thuế đối với dầu Diesel sản xuất tại nhà máy (20%) vẫn cao hơn so với sản phẩm nhập từ ASEAN (15%, tương đương với mức 10 USD một thùng). Tương tự, thuế đối với xăng Jet A1 cũng chênh khoảng 5%, tương đương khoảng 3,5% USD một thùng.
Hiện tại dầu Diesel là sản phẩm chính của BSR, chiếm gần 50% tổng cơ cấu lượng sản phẩm, trong khi Jet A-1 chủ yếu phục vụ các hãng hàng không trong nước. “Nếu mặt hàng dầu Diesel và Jet A-1 không tiêu thụ được thì sẽ ảnh hưởng tới việc vận hành của nhà máy. Nguồn thu của Nhà nước từ lĩnh vực lọc dầu sẽ sụt giảm về tổng thể, chứ không chỉ còn là mặt hàng xăng hay dầu”, doanh nghiệp nêu lý lẽ.
Sau văn bản của BSR, Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) cũng có ý kiến gửi Liên bộ Công Thương – Tài chính, cho rằng nếu phải xuất khẩu Diesel, tập đoàn này sẽ phải cấp bù khoảng 127 triệu USD cho BSR để xử lý khoản chênh lệch thuế. Điều này khiến nhà máy không thể tiếp tục vận hành liên tục và hiệu quả. Nguồn thu từ Diesel của PetroVietnam cũng giảm khoảng 364 triệu USD một năm nếu xuất khẩu.
Sau những phân tích nêu trên, BSR và PetroVietnam tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng nêu trên xuống dưới 10% để “vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách, vừa đảm bảo cho tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.
MAI CÔNG THÀNH