Trao đổi với VnExpress sáng 15/4, ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH lọc-hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, Bộ Tài chính đã đồng ý điều chỉnh giảm mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với xăng, dầu nhà máy lọc dầu Dung Quất.
"Bộ Tài chính điều chỉnh mức thuế áp dụng cho xăng từ 35% giảm xuống còn 20%, dầu diesel giảm từ 30% xuống còn 20%. Như vậ,y mức thuế xăng của nhà máy được điều chỉnh ngang bằng với xăng chịu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt từ các nước ASEAN. Tuy nhiên sản phẩm dầu diesel vẫn còn chịu mức thuế cao hơn 15% so với nhiên liệu cùng loại nhập khẩu từ các nước trong khu vực", ông Giang nói.
Theo Chủ tịch BSR, doanh nghiệp đang tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh mức thuế nhập khẩu dầu diesel của nhà máy hợp lý để sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể cạnh tranh thị trường trong nước.
Trước đó, BSR đã có đơn kiến nghị gửi lên Bộ Tài chính do chính sách thuế xăng dầu có sự thay đổi lớn, được áp dụng từ đầu năm nay. Trong biểu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 165, các mức thuế cụ thể với xăng dầu nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN, khí hóa lỏng LPG và sản phẩm hóa dầu có mức thấp hơn đáng kể so với các mức thuế suất trong biểu thuế ưu đãi hiện hành đang áp dụng cho xăng dầu, LPG và các sản phẩm hóa dầu nhập khẩu. Cụ thể, xăng dầu có mã HS 2710 có thuế nhập khẩu chỉ là 20% trong giai đoạn 2015 đến 2018. Nhiên liệu diesel ôtô thuộc mã HS 27101971 và 27101972 có thuế nhập khẩu là 5% cho năm nay và sau đó giảm về 0% ba năm tiếp theo. Dầu có mã HS 27101979 thuế suất 0% từ nay đến năm 2018.
Trong khi đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng hiện nay đối với Công ty TNHH lọc-hóa dầu Bình Sơn là 35% với xăng, 25% với Jet A1, 30% với dầu diesel, 5% với khí hóa lỏng LPG và 2% với hạt nhựa... cao hơn nhiều so với thuế nhập khẩu xăng, dầu từ các nước ASEAN. Điều này khiến doanh nghiệp quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất lo ngại nguy cơ đóng cửa vì khó thể cạnh tranh tại thị trường trong nước.
Trả lời báo chí ngày 15/4, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) - Phạm Đình Thi cho biết những vấn đề mà Công ty lọc-hóa dầu Bình Sơn lo ngại cơ bản đã được giải quyết. Ông Thi dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/1 đến 10/3, các mặt hàng nhập qua ASEAN đều áp dụng mức thuế ưu đãi MFN (thuế suất 35%) chứ không phải mức ưu đãi đặc biệt (ATIGA – thuế suất 20%). Nguyên nhân là các doanh nghiệp đều chưa có giấy chứng nhận xuất xứ theo quy định. Tuy nhiên, từ ngày 14/4, Thông tư 48 của Bộ Tài chính đã giảm thuế suất nhập khẩu theo biểu thuế MFN về bằng với ATIGA. Với việc điều chỉnh thuế nhập khẩu từ 35% về 20%, Bộ Tài chính ước tính thu ngân sách giảm khoảng 13.000 tỷ đồng. |
Trí Tín - Thanh Thanh Lan