Báo cáo tài chính của Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn (BSR – đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) cho thấy năm 2016, BSR đạt doanh thu hơn 72.500 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 5.000 tỷ và nộp ngân sách nhà nước gần 12.000 tỷ đồng. Năm qua, doanh nghiệp này cũng dành khoản tiền lớn cho đầu tư, trên 1.000 tỷ đồng, tăng gần 1,4 lần so với trước đó một năm.
Dù đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm qua nhưng BSR lại đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2017 khá khiêm tốn, với doanh thu 62.400 tỷ đồng, giảm 10.100 tỷ so với năm 2016. Lợi nhuận dự kiến năm nay cũng chỉ đạt 1.682 tỷ.
Chia sẻ với VnExpress, ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc BSR giải thích, con số kế hoạch 2017 được BSR đưa ra trên cơ sở kịch bản giá dầu ở mức 50 USD một thùng và nhà máy sẽ dừng hoạt động trong 52 ngày để bảo dưỡng tổng thể lần thứ 3 vào giữa năm nay.
“Đó là con số kế hoạch đưa ra thận trọng với kịch bản giá dầu ở mức 50 USD một thùng, nhưng thực tế chúng tôi sẽ phấn đấu đạt cao hơn do giá dầu hiện đã nhích tăng trên thị trường thế giới và kế hoạch tổng thể bảo dưỡng nhà máy có thể được rút ngắn hơn so với dự kiến ban đầu”, ông Nguyên tin tưởng.
Cũng theo báo cáo này, mức lương cơ bản bình quân của đội ngũ viên chức quản lý tại doanh nghiệp này gần 27,5 triệu đồng một người một tháng.
Tổng quỹ tiền lương, thưởng của BSR dành cho lãnh đạo quản lý năm 2016 là trên 4,82 tỷ đồng, giảm hơn 1,5 tỷ so với dữ liệu của năm 2015. Trong đó, quỹ tiền lương trên 4,5 tỷ đồng và quỹ thưởng hơn 635 triệu đồng.
Với số người quản lý doanh nghiệp hơn 10 người, tính chung mỗi viên chức quản lý của BSR nhận thu nhập bình quân 38,8 triệu đồng một tháng, tương đương 465,6 triệu đồng một người một năm. So với năm 2015, thu nhập bình quân này giảm khoảng 6 triệu đồng một người một tháng.
Giải thích về điều này, ông Trần Ngọc Nguyên – Tổng giám đốc BSR cho hay lương – thưởng phụ thuộc vào mức lãi mà doanh nghiệp thu được trong từng năm. Năm 2016, dù BSR đạt lợi nhuận cao, trên 5.000 tỷ đồng, song vẫn thấp hơn so với mức gần 5.900 tỷ của năm 2015.
“Lương, thưởng thấp sẽ khó giữ được người tài làm việc, nên để khuyến khích người lao động, BSR lên kế hoạch giữ chân người lao động bằng chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc… Nếu người lao động chạy theo lương thì họ sẽ không dừng lại ở doanh nghiệp nào”, ông Nguyên chia sẻ.
Nhìn nhận mức thu nhập với người quản lý và lao động tại BSR "khó giữ chân người tài", doanh nghiệp này đề nghị Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội xem xét có chế độ đặc thù về cơ chế tiền lương với người quản lý công ty có mức doanh thu hằng năm trên 100.000 tỷ đồng; cải tiến cách thức quản lý tiền lương, thưởng của người quản lý để đảm bảo tính hợp lý giữa các doanh nghiệp Nhà nước với quy mô hoạt động và đặc thù công việc. BSR cũng kiến nghị được bổ sung chế độ thưởng an toàn với người quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất tương tự như người quản lý tại các nhà máy điện, kỹ thuật máy bay…