Chia sẻ với VnExpress ngày 2/12, ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn (BSR- đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) cho biết doanh nghiệp này dự tính vay 1,2 tỷ USD cho dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Theo ông Nguyên, dự án có thể hoàn thành vào năm 2022, với tổng mức đầu tư khoảng 1,82 tỷ USD, trong đó 30% là vốn tự có và 70% là vốn vay (tương đương khoảng 1,2 tỷ USD). Công suất nhà máy sau khi nâng cấp sẽ tăng từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu một năm và sản phẩm sẽ đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5.
"Trong tháng 12 này chúng tôi sẽ "chốt" đơn vị tư vấn thu xếp vốn cho Bình Sơn vay 1,2 tỷ USD", Tổng giám đốc BSR nói. Lãnh đạo BSR cho rằng, đối tác vay có thể là trong nước hoặc nước ngoài, “miễn là nguồn vay đảm bảo và lãi suất tốt nhất”.
“1,2 tỷ USD cũng không phải con số quá thách thức với một dự án lọc dầu nên nguồn vay sẽ không có gì khó khăn. Quan trọng là vay từ tổ chức nào có mức lãi suất tốt nhất. Đơn vị tư vấn sau khi được chọn lựa sẽ tư vấn phương án tốt nhất cho Bình Sơn", ông Nguyên chia sẻ.
Nói thêm về lộ trình cổ phần hóa, lãnh đạo BSR tiết lộ, Dung Quất sẽ tiến hành IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng) vào quý III/2017 và giá trị doanh nghiệp cũng sẽ được doanh nghiệp này “chốt” ngay trong năm 2016.
Hồi đầu tháng 9, Thủ tướng đã có quyết định cho phép BSR được tự chủ về tài chính từ 1/1/2017. Cụ thể là bỏ thu điều tiết đối với các sản phẩm dầu, khí hoá lỏng (LPG), sản phẩm hoá dầu tiêu dùng trong nước, vốn đang ở mức 13% đối với xăng. Đổi lại, các ưu đãi như việc cộng 3-7% thuế nhập khẩu vào giá bán xăng dầu thành phẩm cũng sẽ được thu hồi. Chính phủ cũng đồng thời đồng ý giảm thuế nhập khẩu dầu diesel và nguyên liệu bay Jet A1 cho BSR từ 10% về 0%.
Nhận định năm 2016 là năm thuận lợi, lãnh đạo BSR cho biết, công ty đã hoàn thành kế hoạch năm trước 52 ngày. Với công suất như hiện tại, từ nay đến hết năm, Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ sản xuất thêm hơn 1 triệu tấn sản phẩm các loại và đạt khoảng 6,91 triệu tấn (năm 2016). Doanh thu cho 1 triệu sản phẩm tăng thêm khoảng 12.000 tỷ đồng và nộp ngân sách tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng.
"Việc cố gắng hoàn thành sớm trước 52 ngày nhằm bù lại sản lượng cho đợt bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lần 3 vào giữa năm 2017”, ông Nguyên chia sẻ.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện có công suất tối đa 6,7 triệu tấn mỗi năm (tương đương 148.000 thùng dầu mỗi ngày), xây dựng trên diện tích khoảng 810 ha gồm mặt đất và vùng biển. Sau 6 năm, nhà máy được đầu tư 3 tỷ USD, tổng nộp ngân sách Nhà nước đạt 133.000 tỷ đồng (tương đương 6 tỷ USD), doanh thu 785.000 tỷ (35 tỷ USD). Tổng sản lượng xuất bán ra thị trường 43 triệu tấn sản phẩm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cả nước. |