Truyền thông Iran ngày 15/1 xác nhận lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của nước này đã phóng tên lửa vào "ổ gián điệp Mossad" của Israel tại vùng tự trị Kurdistan, phía bắc nước láng giềng Iraq. IRGC cùng ngày tuyên bố tập kích mục tiêu phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ Syria.
Một ngày sau, lực lượng vũ trang Iran khai hỏa tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhắm vào "căn cứ phiến quân có liên hệ với Israel" tại tỉnh biên giới Balochistan ở tây nam Pakistan. Truyền thông Iran cho biết mục tiêu tấn công là hai căn cứ thuộc nhóm vũ trang Jaish al-Adl có lập trường thù địch với Tehran.
Các đòn tập kích đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ Iraq và Pakistan.
Bộ Ngoại giao Pakistan chỉ trích Tehran "hành động đơn phương và đi ngược lại tôn chỉ láng giềng hữu nghị, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin song phương". Ngày 18/1, giới chức Islamabad thông báo tập kích đáp trả nhằm vào Mặt trận Giải phóng Baloch, nhóm vũ trang chống Pakistan đang hoạt động trên lãnh thổ Iran.
Một số nguồn thạo tin cho hay chính phủ Pakistan đã chịu sức ép lớn từ quân đội, đòi hỏi phải tung đòn đáp trả tương xứng với vụ tấn công hai ngày trước của Iran. Dù vậy, Bộ Ngoại giao Pakistan đã cố gắng xoa dịu nước láng giềng khi tuyên bố "hoàn toàn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Hồi giáo Iran".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iraq đã triệu hồi đại sứ tại Tehran để tham vấn và phản đối ngoại giao. Hội đồng An ninh Kurdistan bác bỏ cáo buộc của Iran rằng các điệp viên Mossad đang hoạt động ở Erbil. Họ nhấn mạnh vùng tự trị từ lâu được xem là khu vực ổn định và không ghi nhận bất kỳ mối đe dọa an ninh nào đến các nước lân cận. Cơ quan này chỉ trích Iran vô cớ xâm phạm chủ quyền Iraq cũng như vùng tự trị Kurdistan.
"Giới lãnh đạo Iran dường như không muốn hoặc không thể tấn công Israel. Vậy nên họ tìm nạn nhân thay thế quanh mình và quyết định tấn công Erbil. Người dân Iraq đang phải trả giá cho căng thẳng Iran - Israel", Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein nói.
Những đòn tập kích từ Iran và hành động có tính chất trả đũa từ Pakistan tuần này khiến giới quan sát lo ngại căng thẳng ở Trung Đông ngày càng có nguy cơ leo thang thành chiến tranh toàn diện ở khu vực, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng về nhân đạo, kinh tế lẫn chính trị, ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Trong nhiều tháng qua, những sự cố an ninh trong khu vực chủ yếu liên quan các lực lượng thuộc "trục kháng chiến" do Tehran hậu thuẫn.
Tổ chức vũ trang Houthi liên tục tập kích tàu hàng trên Biển Đỏ trong hơn hai tháng qua, dưới danh nghĩa trả đũa Israel tấn công Dải Gaza. Những cuộc tấn công liên tục như vậy đe dọa dòng chảy thương mại quan trọng qua Biển Đỏ, buộc Mỹ phản ứng quyết liệt bằng cách tung đòn không kích vào mục tiêu Houthi ở Yemen, lần đầu kể từ năm 2016.
Nhóm Hezbollah, đồng minh thân cận của Iran ở Lebanon, nhiều lần tập kích khu vực phía bắc Israel và đe dọa mở "mặt trận thứ hai" với Tel Aviv nếu cảm thấy cần thiết. Những nhóm dân quân Iraq có quan hệ mật thiết với Tehran đã tiến hành hơn 130 vụ tập kích vào căn cứ có lính Mỹ đồn trú tại Iraq và Syria trong ba tháng qua.
Sanam Vakil, chuyên gia về an ninh tại Viện Chatham ở Anh, đánh giá Iran và Mỹ đang trả đũa lẫn nhau, nhưng không tung đòn tấn công trực diện, mà nhắm vào những "lực lượng ủy nhiệm" và đối tác của bên còn lại. Ông nhận định Tehran vẫn chủ trương "để xung đột diễn ra bên ngoài lãnh thổ", nhưng ván cược leo thang căng thẳng khu vực đang tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ vượt tầm kiểm soát.
Hàng loạt điểm nóng xung đột nối tiếp nhau xuất hiện trên khắp Trung Đông khiến các quốc gia khu vực ngày một lo ngại về môi trường an ninh bất ổn, theo Christian Koch, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vùng Vịnh tại Arab Saudi.
"Các nước đang đối diện rủi ro rất lớn vì tình hình căng thẳng leo thang, khi họ có thể trở thành bia đỡ đạn cho những đòn tập kích trả đũa qua lại. Căng thẳng gia tăng có thể buộc Iran can thiệp trực tiếp và kéo mọi bên vào vòng xoáy nguy hiểm", Koch nhận định.
Tuy nhiên, loạt tập kích đầu tuần này ở Iraq và Pakistan được xem là bước leo thang đáng báo động tại khu vực, khi đánh dấu lần đầu tiên Iran trực tiếp khai hỏa nhắm vào đối tác của Mỹ kể từ khi chiến sự Israel - Hamas bùng nổ.
Kurdistan, vùng tự trị của người Kurd phía bắc Iraq, nơi chịu đòn tập kích từ Iran vào đầu tuần này, có quan hệ mật thiết với Mỹ. Quân đội Mỹ đã can thiệp bảo vệ người Kurd vào năm 2014, giữa lúc lực lượng IS đang trỗi dậy mạnh mẽ và tiến quân áp sát thủ phủ Erbil. Hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực cũng được xem là đảm bảo an ninh cho người Kurd tại Iraq giữa sức ép từ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
"Iran đã áp dụng hiệu quả chiến thuật xung đột ủy nhiệm nhiều năm qua, nhưng nguy cơ vượt kiểm soát giờ đây đã chạm ngưỡng báo động. Chỉ cần một tính toán sai lầm đối với bất kỳ lực lượng ủy nhiệm nào trong khu vực, một vụ tập kích chệch mục tiêu hay không đúng thời điểm, chúng ta sẽ đối diện chiến tranh toàn diện trên toàn Trung Đông", Rainam al-Hamdani, nhà phân tích tại Yemen chuyên về quan hệ Iran - Houthi, cảnh báo.
Thanh Danh (Theo Semafor, Reuters, CNN)