Trong hai ngày, hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon đồng loạt phát nổ. Ít nhất 37 người thiệt mạng và khoảng 3.000 người bị thương. Hage Ali, chuyên gia Trung tâm Carnegie Trung Đông có trụ sở tại Beirut, gọi đây là "nhát kiếm xuyên người" với tổ chức.
Loạt vụ tấn công đã gây hoảng loạn trong tổ chức quân sự vốn được biết đến với tính kỷ luật và trật tự cao. Một số người vứt thiết bị liên lạc, thậm chí rút phích cắm router và TV sau khi những vụ nổ vang khắp các khu vực Hezbollah kiểm soát.
Các lãnh đạo Hezbollah, vốn không mang theo thiết bị liên lạc bị phát nổ, dùng mạng điện thoại nội bộ để tìm hiểu chuyện gì xảy ra. Gia đình thành viên Hezbollah chật vật tìm kiếm người thân khi những người bị thương sau loạt vụ nổ được đưa đến hàng chục bệnh viện.
Các quan chức an ninh của nhóm đã hạ lệnh điều tra quy mô lớn ngay lập tức để xác định cách thức vụ tấn công. Hezbollah không loại trừ khả năng có nội gián tiết lộ thông tin về thương vụ mua lô thiết bị liên lạc.
Nhân lực
Một quan chức Hezbollah cho biết hàng trăm chiến binh của nhóm này bị thương, chủ yếu ở Beirut. Cũng có nhiều người thương vong là nhân viên y tế hoặc giữ chức vụ hành chính trong các tổ chức của nhóm, hay người thân của họ.
Con trai của nhà lập pháp Hezbollah trong quốc hội Lebanon Ali Ammar đã thiệt mạng. Con trai của nghị sĩ Hassan Fadlallah và người đứng đầu Đơn vị Điều phối và Liên lạc của Hezbollah Wafic Safa bị thương. Một chỉ huy cấp cao của nhóm ở phía nam Lebanon cũng bị thương và Hezbollah chưa nhận được tin tức từ một số thành viên ở tiền tuyến. Đội ngũ cận vệ của một số lãnh đạo cấp cao Hezbollah cũng chịu tổn hại.
"Về cơ bản, có hàng nghìn thanh niên bị thương gần như giống hệt nhau, một số sẽ tàn tật vĩnh viễn. Có người mất tay, một hoặc cả hai mắt", bác sĩ phẫu thuật Ghassan Abu Sitta nói.
"Có thể nhận định rằng hàng trăm người sẽ không thể tiếp tục đảm nhận vai trò của họ trong nhóm. Tất nhiên, điều đó sẽ gây rối loạn", Heiko Wimmen, chuyên gia từ Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) tại Iraq, Syria và Lebanon, nói.
Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Hisham Jaber, tướng Lebanon đã nghỉ hưu, chỉ ra rằng số thương vong chiếm một phần nhỏ trong lực lượng chiến đấu của Hezbollah. "Gần 3.000 người bị thương trong khi họ có 50.000 chiến binh", ông nói.
Dù vậy, cuộc tấn công rõ ràng là đòn đánh mạnh vào tâm lý. William Wechsler, giám đốc cấp cao phụ trách chương trình Trung Đông tại Hội đồng Đại Tây Dương, tổ chức tư vấn trụ sở tại Mỹ, nhận xét các vụ nổ là "điều vô cùng đáng xấu hổ đối với Hezbollah".
Liên lạc
Hezbollah đã tránh sử dụng mạng lưới viễn thông do nhà nước Lebanon điều hành vì cho rằng nó đã bị Israel xâm phạm. Họ thường sử dụng máy nhắn tin để "triệu tập các thành viên đến tiền tuyến, thông báo cho quan chức chính quyền hoặc nhân viên y tế khi cần thiết, hoặc đôi khi cảnh báo về sự xuất hiện của máy bay không người lái Israel", nguồn tin của AFP cho hay.
Nhà phân tích quân sự Jaber cho rằng loạt vụ nổ không gây tác động quá nghiêm trọng do Hezbollah có "các phương tiện lạc bí mật khác". Jaber nói nó bao gồm mạng viễn thông nội bộ, vốn được chỉ huy và thành viên Hezbollah sử dụng nhiều năm.
Tuy nhiên, nguồn tin an ninh của AFP cho biết nhóm vũ trang nghi ngờ một phần mạng lưới này ở khu vực miền nam Lebanon "có thể đã bị Israel xâm nhập".
Giới phân tích nhận xét Hezbollah đối mặt với nhiệm vụ lớn là khôi phục niềm tin vào tính bảo mật của các phương thức liên lạc mà họ đang sử dụng. "Rõ ràng đây là sự xâm phạm về công nghệ và an ninh. Hezbollah sẽ phải tìm cách chống lại điều này", Amal Saad, giảng viên Đại học Cardiff của Anh, nói.
Heiko Wimmen cho rằng Hezbollah phải đánh giá lại hệ thống liên lạc của họ. "Họ có thể vẫn dựa vào máy nhắn tin ở mức độ nào đó và tìm giải pháp thay thế", ông nói.
Giới chuyên gia đều đồng ý rằng loạt vụ nổ sẽ ảnh hưởng đến cách Hezbollah tiến hành hoạt động. "Chúng chắc chắn sẽ tác động đến tính toán quân sự", Saad nói.
"Trong bất kỳ cuộc chiến nào, đảm bảo liên lạc luôn là điều rất quan trọng. Nếu đối thủ xâm nhập được vào hệ thống liên lạc, bạn gặp rắc rối lớn", Wimmen nói.
Thùy Lâm (Theo AFP, Reuters, BBC, WSJ)