Trùng Khánh, thành phố tây nam Trung Quốc, tuần này tuyên bố những người đóng bảo hiểm không còn phải cung cấp giấy chứng nhận kết hôn khi xin nhận trợ cấp thai sản. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 1/9, cơ quan an ninh y tế thành phố cho hay.
Tỉnh Quý Châu, Thiểm Tây, Hồ Bắc và Giang Tô cũng có những động thái tương tự đối với phụ nữ.
"Ngoài ý nghĩa tăng hỗ trợ kinh tế, việc có thể nhận trợ cấp thai sản như bất kỳ bà mẹ nào khác cũng khẳng định quyền và lợi ích của mọi bà mẹ, trẻ em", Qin Yun, mẹ đơn thân ở thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, nói với Hunan Daily.
Loạt động thái này là một phần trong nỗ lực khuyến khích phụ nữ sinh con của giới chức Trung Quốc, khi đất nước đang vật lộn với tình trạng giảm tỷ lệ sinh, hiện nằm trong nhóm thấp nhất thế giới.
Năm 2022, Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận dân số giảm sau 6 thập kỷ. Số lượng cặp kết hôn năm 2022 là 6,8 triệu, thấp nhất kể từ năm 1986, theo dữ liệu chính phủ công bố vào tháng 6. Năm ngoái, số cặp kết hôn ít hơn 800.000 so với năm 2021.
Nhiều địa phương đã triển khai các chính sách trợ cấp để khuyến khích sinh sản, như trợ cấp mua nhà, chăm sóc trẻ. Hồi tháng 8, huyện Thường Sơn, tỉnh Chiết Giang tuyên bố thưởng 1.000 nhân dân tệ (137 USD) cho các cặp đôi kết hôn nếu cô dâu từ 25 tuổi trở xuống.
Chi phí chăm sóc con cái cao và lo ngại ảnh hưởng tới sự nghiệp đã khiến nhiều phụ nữ Trung Quốc không muốn sinh thêm con. Tình trạng phân biệt giới tính và quan niệm phụ nữ là người chăm sóc con cái chính vẫn còn phổ biến ở nước này.
Niềm tin tiêu dùng thấp và mối lo ngày càng tăng về triển vọng kinh tế cũng là những yếu tố chính khiến giới trẻ Trung Quốc không muốn kết hôn và sinh con.
Đức Trung (Theo Reuters, Global Times)