Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản sáng 25/11, hơn 40 thoả thuận hợp tác được ký dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đây cũng là một trong những sự kiện khép lại chuyến thăm chính thức của Thủ tướng tại Nhật Bản.
Tổng giá trị các hợp tác đầu tư hơn 3 tỷ USD và nhiều thoả thuận hợp tác khác mang lại giá trị cho hai bên.
Đầu tiên là khoản đầu tư trị giá nửa tỷ USD cho Dự án chăn nuôi, chế biến, phân phối bò thịt tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc giữa Sojitz và Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam Vilico thuộc Vinamilk.
Liên doanh sẽ đầu tư cơ sở chăn nuôi, chế biến, phân phối sản phẩm thịt bò tại Việt Nam, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Không chỉ vậy, Sojitz cũng có một loạt thoả thuận khác trị giá hàng trăm triệu USD. Ví dụ, tập đoàn này hợp tác nghiên cứu xây dựng và phát triển khu công nghiệp với tổng giá trị 250 triệu USD cùng Công ty Bamboo Capital, Công ty Công nghiệp Hồng Đức.
Một thoả thuận khác trị giá 160 triệu USD của Sojitz là để nghiên cứu hợp tác phát triển hệ thống cung cấp khí tự nhiên tập trung và dịch vụ liên quan đến năng lượng tại Khu công nghệ Deep C Hải Phòng.
Tập đoàn Sumitomo thì hợp tác nghiên cứu phát triển các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại TP Đà Nẵng. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng thoả thuận hợp tác thúc đẩy Dự án Khu công nghiệp Thăng Long II mở rộng.
AeonMall, một tập đoàn bán lẻ "thân quen" với Việt Nam, đợt này cũng công bố đầu tư trung tâm thương mại Aeon Mall Thanh Hoá và Huế của AeonMall Việt Nam, giá trị đầu tư ở mỗi địa phương là 170 triệu USD.
Trong khi đó, Mitsubishi cũng hợp tác đầu tư vào hệ thống kho thông minh cao tầng tại Bắc Ninh với Công ty Western Pacific. Tập đoàn này còn hợp tác với Công ty Chân Mây để đầu tư và phát triển các dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây.
Mitsubishi cùng với Tập đoàn Marubeni và Tổng công ty Phát điện 3 cũng thoả thuận xây dựng dự án Nhà máy điện Long Sơn 1 với tổng giá trị 1,75 tỷ USD.
Chủ tịch UBND Tỉnh Bắc Ninh và Tập đoàn Misubishi cũng trao thỏa thuận hợp tác kho thông minh cao tầng tại Khu công nghiệp.
Công ty Endo-Sei-an hợp tác 26 triệu USD với Tập đoàn Mia để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đầu tư nhà máy chế biến đậu đỏ tại Sơn La và xuất khẩu sang Nhật.
Công ty Biomimetics Sympathies của Nhật thoả thuận chuyển giao công nghệ tế bào gốc với Công ty Dược phẩm T&T.
Ngoài các cam kết đầu tư, trong chuyến thăm này của Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có nhiều thoả thuận hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực hay giải pháp bảo vệ môi trường khác được ký kết giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp.
Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam năm 2011.
Nhật cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam (khoảng 38 tỷ USD – bằng một phần ba ODA họ dành cho các nước). Đây cũng là nhà đầu tư số hai của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ tư với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 40 tỷ USD.
Thanh Thanh Lan