Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ tư, 29/12/2021, 11:31 (GMT+7)

Loạt thiên tai giáng xuống Mỹ năm 2021

Hạn hán, cháy rừng, lốc xoáy tấn công nước Mỹ trong năm qua do biến đổi khí hậu và giới khoa học cho rằng những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Người dân trú ẩn tại một trung tâm làm mát ở thành phố Portland, bang Oregon hồi tháng 6, khi nắng nóng cực đoan tấn công miền tây nước Mỹ.

Hồi mùa hè, hiện tượng "vòm nhiệt" khiến nhiệt độ ở Seattle, Portland và nhiều thành phố khác cao kỷ lục, một số nơi lên tới trên 46 độ C. Nắng nóng khiến hàng trăm người thiệt mạng, chủ yếu là người cao tuổi.

Hồ Oroville, bang California cạn kiệt do hạn hán hồi tháng 6.

Tính đến đầu tháng 12, khoảng 80% miền tây nước Mỹ vẫn trải qua hạn hán nghiêm trọng. Một số cộng đồng thiếu nước, ruộng đồng bị bỏ hoang và trữ lượng hồ chứa ở California, một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa, đã giảm xuống mức trung bình 60% .

Mực nước hồ Mead, nằm giữa Nevada - Arizona và là hồ chứa lớn nhất nước, đã xuống mức thấp kỷ lục. Toàn bộ California vẫn trong tình trạng khẩn cấp về hạn hán, khiến Thống đốc Gavin Newsom kêu gọi cư dân giảm sử dụng nước xuống 15%.

"Chưa từng có tiền lệ, mặt đất khô và nứt nẻ từng được bao phủ bởi nước hồ Mendocino. Đây thực sự là thời khắc lịch sử", Gavin nói trong cuộc họp báo hồi tháng 4.

Một người chèo thuyền kayak trên Hồ Oroville vào tháng 8, khi mực nước vẫn ở mức thấp.

"Hạn hán ở miền tây nước Mỹ không phải cuộc khủng hoảng đã qua", Justin Mankin, nhà khoa học khí hậu và đồng lãnh đạo nhóm chuyên trách hạn hán NOAA viết trên tờ Washington Post hồi tháng 9. "Đó là xu hướng sẽ tiếp tục trong thời gian sắp tới".

Một lính cứu hỏa phun nước vào đám cháy ở Doyle, California, vào tháng 7.

Đám cháy bùng phát ngày 2/7 và nhanh chóng lan rộng, khi lực lượng cứu hỏa phải đối mặt nhiệt độ khắc nghiệt và gió giật mạnh.

Đám cháy rừng Caldor bùng phát tại khu nghỉ mát trượt tuyết Sierra-at-Tahoe, bang California vào tháng 8.

Các đợt nắng nóng lặp đi lặp lại và lượng mưa giảm cùng nhiệt độ cao khiến cháy rừng dễ dàng bùng phát.

Phần còn lại của những ngôi nhà và cơ sở kinh doanh bị đám cháy Dixie ở Greenville, California phá hủy hồi tháng 8.

Các mô hình khí hậu chỉ ra rằng những hiện tượng cực đoan có thể trở nên phổ biến hơn vào giữa thế kỷ này và có thể có tới 30 đợt nắng nóng lớn mỗi năm, dù hiện tại là 4-6. "Đó là khác biệt rất lớn", Ostoja nói. "Về cơ bản, điều đó có nghĩa sẽ thời tiết sẽ luôn nóng".

Theo nghiên cứu từ Bradfield Lyon, giáo sư Viện Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học Maine, nắng nóng cũng sẽ phát triển về quy mô, ảnh hưởng đến nhiều người và địa điểm hơn.

"Vào giữa thế kỷ này, quy mô không gian sóng nhiệt ở Mỹ sẽ tăng 50 - 80% so với hiện tại. Tần suất, thời lượng cũng như cường độ sẽ tăng lên", ông nói.

Ôtô ngập nước ở Trace Creek, thành phố Wavely, bang Tennessee trong trận lũ hồi tháng 8.

Trong khi phần lớn miền tây chìm trong khô hạn suốt mùa thu, một số khu vực ở tây nam, trong đó có Arizona và New Mexico, hứng chịu những trận mưa như trút từ tháng 6 đến tháng 9, gây ra những trận lũ chết người.

Bắc California cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi hai trận mưa bão khiến những con đường ngập nước, cây cối và đường dây điện bị đổ, sườn đồi bị lở.

Cây lớn bị bật gốc, đổ vào mái nhà tại thị trấn Mayfield, bang Kentucky trong đợt lốc xoáy đầu tháng này.

30 trận lốc xoáy xuất hiện đêm 10/12, càn quét 6 bang ở miền trung nước Mỹ, gồm Arkansas, Illinois, Kentucky, Missouri, Tennessee và Mississippi. Thống đốc Kentucky Andy Beshear mô tả đây là đợt lốc xoáy "tồi tệ nhất, tàn khốc nhất và chết chóc nhất trong lịch sử bang".

Một trận bão cát ở Niwot, bang Colorado đầu tháng này.

Những cơn gió mạnh đã thổi lên bão cát dữ dội khắp miền trung nước Mỹ trong tháng 12, với vận tốc hơn 160 km/h. Cảnh báo gió lớn được ban bố từ New Mexico đến thượng nguồn Michigan.

Các hình thái thời tiết cực đoan năm 2021 hủy diệt và tàn khốc, nhưng các nhà khoa học hy vọng chúng đóng vai trò cảnh báo. "Tôi hy vọng mọi người chú ý nhiều hơn đến biến đổi khí hậu", Ostoja nói.

Ảnh: AP, AFP