Dư luận Italy đang yêu cầu câu trả lời thỏa đáng từ giới chức sau thảm họa cầu Morandi bị sập trong mưa bão hôm 14/8, khiến ít nhất 39 người thiệt mạng, 15 người bị thương cùng 10-20 người mất tích. Giới chuyên gia cho rằng vụ sập cầu này không chỉ phơi bày những khiếm khuyết trong thiết kế, vận hành công trình, mà còn cho thấy những trì trệ và sai lầm trong cách quản lý của chính quyền Italy, theo Huffington Post.
Cây cầu được khánh thành vào năm 1967 và mang tên nhà thiết kế Riccardo Morandi, thuộc dạng cầu dây văng, trong đó các đoạn cầu được nối với tháp trụ và dây cáp neo chịu đỡ toàn bộ lực cho cây cầu, theo NYTimes.
Cách đây 50 năm, đây là thiết kế khá hiếm gặp, thường được sử dụng khi khoảng cách giữa các nhịp quá dài để xây trụ cầu, nhưng không dài đến mức phải xây cầu treo. Trong loại cầu này, dây cáp neo có vai trò trọng yếu vì phải gánh chịu lực cho toàn bộ cây cầu. Tuy nhiên, người Italy lại có cách thiết kế khác thường cho cầu Morandi: Dây neo của nó được làm bằng bê tông và thép sợi, thường được gọi là "bó cốt thép", trong khi các cầu dây văng ngày nay thường sử dụng cáp thép.
"Loại dây neo này không được sử dụng phổ biến", Bassem Andrawes, giáo sư xây dựng dân dụng tại Đại học Illinois, nói. "Bạn hiếm khi thấy chúng ở bất cứ nơi nào trên thế giới".
Điều đáng chú ý là cầu Morandi chỉ có hai bó cốt thép, mỗi bên một bó để neo giữ đoạn cầu trên cao. Các cây cầu dây văng ngày nay sử dụng nhiều sợi cáp hơn rất nhiều, chẳng hạn như cầu Tappan Zee mới được bắc qua sông Hudson ở New York có tới 24 sợi cáp.
Giáo sư Andrawes cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về nguyên nhân cầu Morandi bị sập và các thông tin liên quan đến quá trình sụp đổ của công trình vẫn chưa rõ ràng, nhưng những khiếm khuyết trong thiết kế và thi công cũng như sai sót trong quá trình kiểm tra, bảo dưỡng thường sẽ được chú ý nhất.
Các điều tra viên Italy chắc chắn sẽ xem xét lại toàn bộ quá trình chế tạo bó cốt thép của cầu cũng như số lượng của chúng. Nếu một bó cốt thép bị đứt gãy, tải trọng của cầu sẽ bị dịch chuyển, gây nên sự sụp đổ nhanh chóng của các cấu trúc khác trên cầu, nên những cây cầu dây văng có nhiều cáp neo sẽ có khả năng chống đỡ tốt hơn với sự cố đứt dây.
"Chúng tôi luôn tìm cách thiết kế càng nhiều dây cáp neo càng tốt", Andrawes nói. Về cầu Morandi, ông cho rằng chắc chắn đã có vấn đề xảy ra với một trong những bó cốt thép, kéo theo sự sụp đổ của cây cầu.
Sai lầm trong kiểm tra và bảo dưỡng
Vụ sập cầu Morandi khiến dư luận Italy và thế giới kinh hoàng, nhưng nó không phải là một thảm họa quá bất ngờ. Khi mới được khánh thành, cầu Morandi đã được tự hào ca ngợi là "Cầu Brooklyn của Italy", nhưng cùng với thời gian lại trở thành biểu tượng của sự quan liêu và tư duy "vá víu" của các nhà quản lý.
Từ nhiều thập kỷ qua, cầu Morandi đã trở thành đề tài gây tranh cãi ở Italy, khi các chuyên gia về xây dựng liên tiếp cảnh báo về độ an toàn của nó, người dân nhiều lần tức giận kiến nghị lên chính quyền, và quốc hội Italy cũng đã tranh cãi rất nhiều về vấn đề này nhưng không giải pháp hiệu quả nào được thực hiện.
Khi được đưa vào sử dụng hơn 10 năm, cầu Morandi bắt đầu xuất hiện các vết nứt, khiến nó nhiều lần được vá và công tác sửa chữa dường như được tiến hành liên tục. Vào thập niên 1980 và 1990, các kỹ sư đã phải gắn thêm nhiều sợi cáp kim loại cho cầu để tránh nguy cơ bị sập. Đến những năm 2000, một cuộc bảo dưỡng định kỳ cầu Morandi đã biến thành đợt trùng tu, sửa chữa từng phần được tiến hành liên tục.
Tháng 12/2012, Giovanni Calvini, lúc đó là chủ tịch Confindustria Genova, tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng và vận tải Italy, đã cảnh báo rằng cầu Morandi "sẽ sập trong vòng 10 năm". Ông cho rằng cần phải xây cầu Gronda di Ponente để thay thế công trình nguy hiểm này, nhưng vấp phải sự phản đối của các chính trị gia và giới chức, nên dự án tới nay vẫn nằm trên giấy.
Những lời cảnh báo tới chính quyền Italy về mức độ an toàn của cầu Morandi ngày càng nhiều thêm, đặc biệt là khi lưu lượng giao thông qua cầu ngày nay đã lớn hơn rất nhiều so với khi nó được thông xe. Tháng 7/2016, giáo sư Antonio Brencich tại Đại học Genoa đã chỉ ra rằng ngay từ đầu, cầu Morandi đã bộc lộ nhiều vấn đề khác nhau, ngoài việc đội chi phí so với dự kiến.
Sau khi phân tích kết cấu của cầu, Brencich cho rằng những vấn đề với bê tông đã khiến bề mặt cầu không bằng phẳng. "Ngay từ đầu thập niên 1980, những người đi qua cây cầu cạn này đã phải băng qua những đoạn mấp mô khó chịu", ông viết, bổ sung rằng phải qua nhiều lần khắc phục, mặt cầu mới bằng phẳng ở mức chấp nhận được. Giáo sư này cho rằng với những vấn đề nghiêm trọng đó, cầu Morandi cần được chính quyền Italy tháo dỡ, thay thế.
Tuy nhiên, những cảnh báo về một thảm họa kinh hoàng này đều bị phớt lờ, khi chính quyền Italy chỉ chăm chăm vào công tác khắc phục, trùng tu cầu. Năm 2016, toàn bộ barrier dọc cầu được thay thế và các cấu trúc bê tông được sửa chữa.
Đến đầu năm nay, công ty tư nhân Autostrade per l’Italia chịu trách nhiệm vận hành cầu Morandi nhận ra công trình cần được gia cố khẩn cấp. Sau hàng loạt thủ tục cấp phép và quy trình rườm rà, kế hoạch sửa chữa cầu mới được thực hiện từ cách đây 4 tháng. Khi cầu Morandi bị sập, công tác bảo dưỡng của Autostrade per l’Italia vẫn đang diễn ra với một cần cẩu được dựng lên cạnh đó.
Ngay khi thảm họa sập cầu diễn ra, Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Italy Danilo Toninelli nhanh chóng đổ lỗi cho Autostrade per l’Italia, nói rằng bảo dưỡng cây cầu là trách nhiệm của họ, còn các chuyên gia kỹ thuật của Bộ chỉ xử lý những công việc phức tạp hơn. Autostrade per l’Italia thì tự lên tiếng bảo vệ, nói rằng họ đã chi hàng tỷ euro để kiểm tra, bảo dưỡng và khắc phục tuyến cao tốc chạy qua cầu Morandi suốt 5 năm qua.
Các chuyên gia cho rằng việc chính phủ Italy dựa quá nhiều vào những công ty tư nhân để vận hành hệ thống đường cao tốc cùng các cây cầu cạn như Morandi cũng có thể là nguyên nhân góp phần gây ra thảm họa. "Khi bạn tư nhân hóa cơ sở hạ tầng, động cơ lợi nhuận sẽ xuất hiện", Guy Nordenson, giáo sư Trường Kiến trúc thuộc Đại học Princeton, nhận định. "Bạn bắt đầu có mâu thuẫn giữa lợi ích của cộng đồng và lợi nhuận của công ty".