Thứ bảy, 27/4/2024
Thứ sáu, 15/5/2020, 05:00 (GMT+7)

Loạt phim đoạt Cánh Diều Vàng 10 năm qua

"Thần tượng" - phim đầu tay của Quang Huy - đoạt Cánh Diều Vàng 2014, đánh dấu bước chuyển tiêu chí chấm giải.

10 năm qua, ban tổ chức Cánh Diều (giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam) thường chọn các phim điện ảnh mang thông điệp nhân văn rõ nét. Những năm đầu thập niên 2010, phim chiến tranh, lịch sử thường thắng giải. Nhưng gần đây, một số phim thương mại lên ngôi.

Năm nay, Cánh Diều Vàng thuộc về Hạnh phúc của mẹ, do Huỳnh Đông đạo diễn. Tác phẩm kể về người phụ nữ (Cát Phượng) tảo tần nuôi con trai bị tự kỷ. Dù đề cao tình mẫu tử, tình người, tác phẩm chưa mạnh ở cách thể hiện, một số tình tiết lê thê. Hạnh phúc của mẹ bất ngờ vượt nhiều phim nổi bật gần đây như Hai Phượng, Mắt biếc, Thưa mẹ con đi hay Gái già lắm chiêu 3, Cát Phượng cũng thắng giải nữ chính. Ảnh: CGV.

Cát Phượng, Kiều Minh Tuấn lần đầu đóng cặp sau kết hôn trong Hạnh phúc của mẹ
 
 

Trailer "Hạnh phúc của mẹ".

Năm 2019, Chàng vợ của em (đạo diễn Charlie Nguyễn) được tôn vinh. Đây là phim thắng Cánh Diều Vàng có doanh thu cao nhất từ trước đến nay (hơn 80 tỷ đồng). Trong phim, người đàn ông tên Hùng (Thái Hòa) thay em gái giúp việc nhà cho nữ doanh nhân Mai (Phương Anh Đào đóng).

Phim đặt ra vấn đề thời đại với hình ảnh người phụ nữ thành đạt, tất bật với công việc và ít quan tâm việc nhà. Chiến thắng của Chàng vợ của em trước Song Lang - tác phẩm về cải lương - được xem là bất ngờ do ban giám khảo thường ưa chuộng những phim về văn hóa dân tộc. Ảnh: CJ.

Năm 2018, Cô Ba Sài Gòn của đạo diễn Trần Bửu Lộc, Kay Nguyễn đoạt Cánh Diều Vàng. Phim kể về hành trình du hành thời gian của một cô gái kiêu ngạo (Lan Ngọc đóng), qua đó tìm lại tình yêu với áo dài - nghề truyền thống của gia đình. Chủ đề về truyền thống dân tộc giúp tác phẩm vượt lên Em chưa 18, Đảo của dân ngụ cư, Cô gái đến từ hôm qua - những ứng viên nặng ký cùng năm. Ảnh: BHD.

Ngô Thanh Vân tát Lan Ngọc trong phim mới
 
 

Trailer "Cô Ba Sài Gòn".

Năm 2017, nhiều sự cố diễn ra ở lễ trao giải Cánh Diều như mời nhầm người lên phát biểu, đọc sai tên phim, không chuẩn bị đủ cúp ở một hạng mục có hai người được tôn vinh. Nhưng gây bàn tán nhất là chuyện đạo diễn Lương Đình Dũng (Cha cõng contrả bằng khen ở hạng mục phim truyện (tương đương giải ba) ngay buổi lễ. Nhà làm phim cho rằng ban giám khảo chưa tiếp cận thấu đáo tác phẩm của anh. Sau đó, chuyên gia điện ảnh Trần Luân Kim (trưởng ban giám khảo) nói Cha cõng con làm theo lối cũ nên không được giải cao. Tác phẩm sau đó ghi dấu ở nhiều liên hoan phim nước ngoài.

Giải Cánh Diều Vàng năm đó thuộc về Sài Gòn, anh yêu em. Phim có nội dung nhân văn, khắc họa nhiều mảnh đời ở TP HCM, nỗ lực lồng ghép bộ môn cải lương. Nhưng tác phẩm chưa nhiều dấu ấn về nghệ thuật điện ảnh. Trên VnExpress, một số độc giả cũng không đánh giá cao bộ phim. Ảnh: CGV.

Năm 2016, Trúng số vượt đối thủ nặng ký Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Ra mắt dịp Tết Nguyên đán, phim của Dustin Nguyễn chắc tay từ kịch bản đến diễn xuất, mang thông điệp đẹp về lòng tốt con người, xoay quanh chuyện trúng số ở làng quê. Tác phẩm cũng mang về cho Lan Ngọc giải nữ chính lần thứ hai, sau Cánh đồng bất tận năm 2011. Đây là phim gần nhất người đẹp đóng gái quê, trước khi theo đuổi hình ảnh sang trọng trên màn ảnh. Ảnh: CGV.

Năm 2015, không có Cánh Diều Vàng, còn Hương Ga (ảnh), Những đứa con của làngLạc giới đồng Cánh Diều BạcHương Ga bám theo cuộc đời thăng trầm của một cô gái Hải Phòng thành bà trùm giang hồ, Những đứa con của làng xoay quanh nỗi oán hận sau chiến tranh, còn Lạc giới khắc họa chuyện tình của gã tội phạm với một chàng trai và một cô gái. Đập cánh giữa không trung - tác phẩm gây chú ý ở liên hoan phim quốc tế - không dự giải do đăng ký trễ. Ảnh: Galaxy.

Năm 2014, Thần tượng - phim đầu tay của đạo diễn Quang Huy - giành giải cao nhất. Kết quả này được đánh giá là bước chuyển của ban tổ chức bởi trước đó, giải Cánh Diều Vàng thường trao cho những phim chiến tranh hoặc có yếu tố lịch sử. Thần tượng mang ngôn ngữ điện ảnh trẻ trung, kể về hành trình lập nghiệp của những người trẻ. Ảnh: WePro.

Victor Vũ thắng lớn ở Cánh Diều năm 2013 với giải Cánh Diều Vàng, đạo diễn xuất sắc (Thiên mệnh anh hùng) và bằng khen (phim Scandal). Dù ra mắt Tết Nguyên đán, Thiên mệnh anh hùng thiên về võ thuật, ca ngợi nghĩa khí, đi ngược xu hướng hài nhẹ nhàng dịp này. Những cảnh hành động đẹp mắt là điểm nhấn của tác phẩm cổ trang. Ảnh: CGV.

Mùi cỏ cháy của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười là phim Nhà nước gần nhất đoạt Cánh Diều Vàng, năm 2012. Trong phim, bốn sinh viên Hà Nội lên đường nhập ngũ năm 1971 và chiến đấu ở Quảng Trị năm 1972. Khi nhận giải, ê-kíp tri ân các liệt sĩ 40 năm trước. Phim được nhận xét có nhiều tình tiết gây cảm xúc về lý tưởng, sự hy sinh của tuổi trẻ.

Ở hạng mục phim ngắn, 16h30 của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy được vinh danh. Từ tác phẩm này, anh đã phát triển thành phim điện ảnh Ròm, thắng giải cao nhất ở LHP Busan năm 2019. Ảnh: Phương Nam Phim.

Năm 2011, giải Cánh Diều Vàng thuộc về Long thành cầm giả ca, phim cổ trang nhân sự kiện đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Quách Ngọc Ngoan hóa thân Nguyễn Du - thi hào cảm mến cô gái tài sắc Cầm (Nhật Kim Anh). Tác phẩm nhận nhiều lời khen về diễn xuất, thông điệp, bối cảnh. Sau đó, ở LHP Quốc tế Hà Nội năm 2011, Nhật Kim Anh thắng giải nữ chính. Ảnh: Phương Nam Phim.

Cánh Diều là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, ra đời từ năm 2003, tôn vinh các phim điện ảnh, truyền hình, phim ngắn, tài liệu, khoa học và công trình nghiên cứu.

Ân Nguyễn