"Sẽ không có chuyện các nước châu Âu hoặc quốc gia thành viên NATO đưa binh sĩ đến lãnh thổ Ukraine", Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 27/2 cho hay.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng khẳng định đưa quân đến Ukraine "không phải lựa chọn của Berlin".
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck bày tỏ vui mừng khi Pháp đang "xem xét cách hỗ trợ Ukraine mạnh mẽ hơn", nhưng cho rằng Paris nên gửi thêm vũ khí thay vì triển khai quân đến nước này. "Hãy làm những gì bạn có thể và cung cấp cho Ukraine đạn, xe tăng ngay bây giờ", ông Habeck nói.
Sau cuộc hội đàm hôm 26/2, Thủ tướng Scholz cho biết các lãnh đạo châu Âu giờ đây dường như sẵn sàng mua vũ khí từ các nước bên ngoài châu Âu để tăng tốc viện trợ quân sự cho Ukraine.
Đức là bên cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, sau Mỹ, từ khi chiến sự bùng phát tháng 2/2022, song Berlin rất thận trọng với các bước đi có thể kéo NATO vào xung đột trực tiếp với Nga.
Mỹ cũng tuyên bố không có kế hoạch đưa lính Mỹ hay quân đội NATO đến tham chiến ở Ukraine. Thay vào đó, Nhà Trắng kêu gọi các nghị sĩ Mỹ thông qua dự luật hỗ trợ an ninh đang bị đình trệ, trong đó đảm bảo binh sĩ Ukraine có vũ khí và đạn cần thiết để tiếp tục cuộc chiến.
Trước đó, sau cuộc họp của khoảng 20 lãnh đạo châu Âu tại Paris ngày 26/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố các bên "thảo luận cởi mở, thẳng thắn" và "không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân tới Ukraine".
Tuyên bố của ông Maron đã khiến cả các đồng minh phương Tây ngạc nhiên. Ý tưởng đưa quân đến Ukraine là điều cấm kỵ, đặc biệt khi NATO tìm cách tránh bị kéo vào cuộc chiến rộng hơn với Nga, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói các đồng minh NATO đang cung cấp hỗ trợ chưa từng có cho Kiev, nhưng khối này "không có kế hoạch đưa lực lượng chiến đấu đến Ukraine".
Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định Anh không có kế hoạch triển khai quân quy mô lớn tới Ukraine, đồng thời lưu ý London đã duy trì số lượng nhỏ quân nhân tại quốc gia Đông Âu này để hỗ trợ Kiev huấn luyện binh sĩ.
Phát ngôn viên chính phủ Tây Ban Nha Pilar Alegria cho biết Madrid muốn gửi thêm vũ khí và thiết bị tới Kiev, nhưng không phải binh sĩ.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Thủ tướng Czech Petr Fiala, những người ủng hộ nhiệt thành Ukraine, cho biết trong một cuộc họp báo ở Prague hôm 27/2 rằng họ muốn cung cấp thêm đạn cho Kiev, nhưng không có kế hoạch điều quân tới nước này. Czech tháng này công bố kế hoạch, được Canada, Đan Mạch và các nước khác hậu thuẫn, nhằm nhanh chóng mua sắm hàng trăm nghìn viên đạn pháo từ các nước thứ ba để gửi đến Ukraine.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết chính phủ của ông không có kế hoạch triển khai quân, nhưng một số nước đang cân nhắc có nên đạt thỏa thuận song phương về triển khai binh sĩ hỗ trợ Ukraine chống lại Nga hay không.
Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne hôm 27/2 giải thích Tổng thống Macron có ý định đưa quân đội đến Ukraine để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như hỗ trợ rà phá bom mìn, sản xuất vũ khí tại chỗ và đối phó các cuộc tấn công mạng, thay vì trực tiếp chiến đấu. "Điều này có thể yêu cầu sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ Ukraine, nhưng không phải tham chiến", Ngoại trưởng Sejourne nói với các nghị sĩ Pháp.
Ý tưởng của Tổng thống Macron đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ Nga. Điện Kremlin cảnh báo phương Tây điều quân tới Ukraine sẽ dẫn tới nguy cơ đối đầu trực tiếp "không thể tránh khỏi" giữa NATO với Nga.
"Các nước NATO phải đánh giá và nhận thức rõ hậu quả của động thái như vậy", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố.
Huyền Lê (Theo Reuters, AP)