Đức, Anh, Slovakia, Na Uy, Latvia, Hungary, Bulgaria, Bỉ, Cộng hòa Czech, Phần Lan, Litva, Hà Lan, Romania và Slovenia ký văn kiện thể hiện mong muốn cùng đặt mua những hệ thống tên lửa phòng không tầm xa như Patriot Mỹ và Arrow 3 của Israel trong khuôn khổ cuộc họp của NATO tại Brussels, Bỉ, hôm nay.
Tuy nhiên, động thái này không đồng nghĩa với việc chính quyền các nước trên đã thông qua kế hoạch mua những hệ thống phòng không tầm xa và đặt hàng với nhà sản xuất. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói rằng Berlin "chưa có quyết định cụ thể, nhưng Arrow 3 sẽ là hệ thống phòng không phù hợp với Đức", trong khi một số quốc gia có ý định sở hữu tổ hợp Patriot do Mỹ sản xuất.
Hệ thống đánh chặn Arrow 3 do tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) và Boeing của Mỹ phối hợp phát triển, được chế tạo từ năm 2017. Israel không công bố thông số kỹ thuật, nhưng hệ thống Arrow 3 dường như có tầm bắn 2.400 km và đánh chặn được tên lửa đạn đạo ở độ cao 100 km.
Tên lửa của hệ thống Arrow 3 được trang bị các cảm biến quang học để tự tìm mục tiêu trong pha cuối hành trình. Quả đạn có khả năng bay lên thượng tầng khí quyển, nơi đầu đạn tên lửa đạn đạo tách khỏi tầng đẩy và lao xuống với tốc độ cao.
Đầu đạn không sử dụng thuốc nổ, có khả năng cơ động để đón đầu và phá hủy mục tiêu bằng động năng, cho phép nó tiêu diệt tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân, sinh học và hóa học mà không gây nguy hiểm cho mặt đất.
MIM-104 Patriot là tên lửa phòng không do Mỹ phát triển và đưa vào biên chế từ năm 1981. Biến thể PAC-2 có thể bắn trúng mục tiêu cách xa gần 100 km và bay cao hơn 32 km.
Biến thể mới nhất trong dòng Patriot là PAC-3, còn gọi là MIM-104F, là bản nâng cấp gần như toàn bộ có khả năng diệt các mối đe dọa trên không như tiêm kích, máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Vũ Anh (Theo Reuters)