11 thành viên đảng Quebec solidaire, những người mới được bầu vào nghị viện Quebec, ngày 19/10 nói họ sẽ chỉ trung thành với người dân Quebec và không coi Vua Charles III là nguyên thủ Canada. Ba thành viên đảng Parti Quebecois hồi tuần trước cũng từ chối tuyên thệ với Vua Anh.
"Các thành viên hiểu rõ vấn đề khi hành động như vậy. Chúng tôi vận động thay đổi tại Quebec và cánh cửa đã được mở", Grabiel Nadeau-Dubois, người phát ngôn đảng Quebec solidaire, nói.
Paul St-Pierre Plamondon, lãnh đạo Parti Quebecois, tuần trước cho rằng tuyên thệ với Vua Charles III sẽ "gây xung đột lợi ích bởi một người không thể phục vụ hai chủ nhân". Theo ông, chế độ quân chủ "tiêu tốn 67 triệu đô Canada mỗi năm" và việc này "gợi nhớ về sự thống trị thực dân".
Tuyên thệ trung thành với quân vương Anh luôn là vấn đề gây tranh cãi ở Quebec, khu vực chủ yếu nói tiếng Pháp. Tỉnh này từng hai lần tổ chức trưng cầu dân ý tách khỏi Canada vào năm 1980 và 1995 nhưng bất thành.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói quyết định tổ chức quy trình tuyên thệ như thế nào sẽ tùy thuộc vào nghị viện Quebec.
Giới chuyên gia cũng có quan điểm trái chiều về vấn đề. Một số cho rằng nghị viện Quebec có nhiều lựa chọn để không phải tuyên thệ với Vua Anh, số khác nói việc này cần sửa đổi hiến pháp. Thủ tướng Trudeau bác khả năng sửa đổi hiến pháp, do lần thảo luận trước đây giữa 10 tỉnh ở Canada kết thúc mà không có sự đồng thuận.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời hôm 8/9, hưởng thọ 96 tuổi, sau hơn 70 năm trị vì. Quốc vương Charles III, người kế vị ngai vàng, được tấn phong ngày 10/9, trở thành nguyên thủ quốc gia tại Canada, Australia, New Zealand và các quốc gia khác trong Khối Thịnh vượng chung.
Sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II làm dấy lên tranh luận về quan hệ giữa các quốc gia này với chế độ quân chủ. Australia và New Zealand từng đề cập khả năng trở thành nước cộng hòa nhưng không coi đây là mục tiêu cấp bách.
Như Tâm (Theo AFP)