Trong cuộc họp báo hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết những bất đồng về lệnh cấm vận là nguyên nhân khiến hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội giữa ông và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không ra được thỏa thuận chung. Ông cho hay Bình Nhưỡng muốn được dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận trước khi phá hủy tổ hợp hạt nhân Yongbyong, điều mà phía Washington không thể chấp thuận.
Tuy nhiên, phát biểu sau đó vài giờ, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết họ chỉ yêu cầu Washington dỡ bỏ 5 trong số 11 lệnh trừng phạt, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ phá hủy hoàn toàn và vĩnh viễn các cơ sở sản xuất hạt nhân dưới sự giám sát của chuyên gia Mỹ.
Các lệnh trừng phạt về kinh tế, tài chính này được Liên Hợp Quốc, Mỹ và các cường quốc trên thế giới áp đặt với Triều Tiên trong hơn một thập kỷ qua, nhằm gây sức ép buộc quốc gia này phi hạt nhân hóa. Những lệnh cấm vận, trừng phạt này đã gây hậu quả nặng nề với nền kinh tế và cuộc sống người dân Triều Tiên, nhưng các chuyên gia của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở ở New York, Mỹ vẫn tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của chúng đối với tiến trình phi hạt nhân hóa.
Triều Tiên tháng 12/1985 phê chuẩn Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), nhưng quyết định rút khỏi thỏa thuận quốc tế này vào năm 2003 với lý do Mỹ có các hành động như tập trận chung, triển khai quân đồn trú trong khu vực, đe dọa đến an ninh Triều Tiên. Ba năm sau, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên. "Với Triều Tiên, vũ khí hạt nhân được coi như thanh bảo kiếm hay viên đạn bạc răn đe mọi kẻ thù", chuyên gia Scott A. Snyder viết trên Forbes.
Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên vấp phải sự chỉ trích nặng nề của cộng đồng quốc tế và các vòng đàm phán song phương, đa phương về phi hạt nhân hóa sau đó đều không đạt được kết quả, khiến các lệnh cấm vận đối với nước này ngày càng nhiều lên và được thắt chặt. Gần như sau mỗi động thái thử hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên, 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) đều thông qua một nghị quyết lên án nước này và áp đặt thêm lệnh cấm vận.
Cho đến nay, Triều Tiên đã hứng chịu các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nghị quyết 1718 được UNSC thông qua ngày 14/10/2006, cấm mọi hoạt động cung cấp vũ khí hạng nặng, công nghệ và vật liệu tên lửa cũng như một số mặt hàng xa xỉ phẩm cho Triều Tiên.
Ngày 12/6/2009, nghị quyết 1874 được thông qua sau vụ thử hạt nhân lần hai của Triều Tiên, tăng cường các biện pháp cấm vận chống lại nước này. Chỉ trong ba tháng đầu năm 2013, UNSC ra liên tiếp hai nghị quyết, lên án các hoạt động phóng vệ tinh và phổ biến vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, áp đặt lệnh cấm vận nghiêm ngặt hơn sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần ba vào tháng 2/2013.
Nghị quyết 2270 ngày 2/3/2016 lên án Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư và phóng tên lửa từ tàu ngầm, đồng thời cấm các quốc gia cung cấp nhiên liệu hàng không cho Bình Nhưỡng. Nghị quyết 2321 cuối năm đó tăng cường biện pháp cấm vận, ngăn chặn Triều Tiên xuất khẩu các khoáng sản như đồng và nikel.
Sau hai vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào tháng 7/2017, Triều Tiên hứng chịu thêm lệnh trừng phạt trong nghị quyết 2371, trong đó cấm nước này xuất khẩu than đá và sắt. Triều Tiên vẫn tiếp tục thử hạt nhân lần thứ sáu vào cuối năm đó và các lệnh cấm vận được thắt chặt bằng nghị quyết 2375.
Ngày 22/12/2017, UNSC tiếp tục ra nghị quyết 2397, đặt ra các hạn chế mới về hoạt động nhập khẩu dầu của Triều Tiên cũng như hoạt động xuất khẩu lao động, nông sản và kim loại. Các lệnh cấm vận này không ngăn cản hoạt động hỗ trợ nhân đạo tới Triều Tiên.
Bên cạnh các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên còn phải hứng chịu lệnh trừng phạt đơn phương do Mỹ áp đặt. Mỹ hạn chế nhiều hoạt động kinh tế của Triều Tiên và nhắm vào nhiều tổ chức, cá nhân hơn so với lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc.
Các lệnh trừng phạt đơn phương của Washington được thiết kế để chặn đứng việc phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, ngoài ra có một số biện pháp được thực thi để đáp trả Triều Tiên sau khi nước này bị cáo buộc thực hiện hoạt động tấn công mạng, vi phạm nhân quyền, rửa tiền... Ngoài ra, Mỹ còn cấm các ngân hàng, công ty, cá nhân bên ngoài Triều Tiên, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, hỗ trợ chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Các công ty Mỹ vi phạm lệnh kiểm soát xuất khẩu tới Triều Tiên cũng sẽ bị phạt nặng.
Mỹ vài lần dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận đơn phương với Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng hứa hẹn sẽ đóng băng chương trình hạt nhân và tháo dỡ một số cơ sở. Tuy nhiên, Triều Tiên sau đó liên tục bị Mỹ cáo buộc vi phạm thỏa thuận.
Các biện pháp trừng phạt nhắm vào Triều Tiên nhiều lên khi quốc hội Mỹ ra đạo luật đầu tiên áp đặt lệnh cấm vận nước này vào năm 2016, yêu cầu tổng thống Mỹ trừng phạt bất cứ ai tham gia vào các hoạt động như phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Một năm sau, quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua Lệnh trừng phạt (CAATSA), tiếp tục áp đặt thêm lệnh cấm vận với Triều Tiên, bên cạnh Nga và Iran. CAATSA còn cấm một số hình thức hỗ trợ của Mỹ cho những chính phủ nước ngoài trợ giúp Triều Tiên.
Sau khi nhậm chức đầu năm 2017, Tổng thống Donald Trump thực hiện chiến dịch "gây áp lực tối đa", ủy quyền cho Bộ Tài chính Mỹ ngăn chặn bất cứ cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài nào tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ nếu họ làm ăn với Triều Tiên. "Các tổ chức tài chính nước ngoài được thông báo rằng từ nay trở đi, họ có thể làm ăn với Triều Tiên hoặc với Mỹ, nhưng không phải với cả hai", Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tuyên bố.
Ngoài Liên Hợp Quốc và Mỹ, một số đồng minh của Washington như Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) cũng áp đặt các lệnh cấm vận riêng nhắm vào Triều Tiên. Nhật bắt đầu đưa ra các lệnh cấm vận vào năm 2006, sau đó dỡ bỏ một phần năm 2014 để thuyết phục Triều Tiên điều tra về sự biến mất của các công dân Nhật bị bắt cóc vào thập niên 1970 và 1980.
Đến năm 2016 và 2017, Tokyo liên tục áp đặt lệnh cấm vận mới đáp trả các vụ thử hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng. Các lệnh này đóng băng một số tài sản của Triều Tiên và Trung Quốc, cấm người Triều Tiên nhập cảnh và cấm chuyển số ngoại tệ hơn 880 USD tới Triều Tiên. Nhật còn tham gia giám sát tàu hàng Triều Tiên bị tình nghi vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc trong các vùng biển xung quanh.
Các biện pháp hạn chế kinh tế bổ sung của EU cấm những người tham gia vào chương trình vũ khí Triều Tiên nhập cảnh và xin thường trú ở khối này, ngăn chặn công dân Triều Tiên tiếp cận với các chương trình đào tạo đặc biệt, cấm xuất khẩu xa xỉ phẩm tới Triều Tiên, cấm hoạt động đầu tư của EU vào các lĩnh vực kinh tế của nước này và hạn chế chuyển tiền tới Triều Tiên.
Theo các chuyên gia, nạn nhân hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của các lệnh cấm vận này chính là người dân Triều Tiên, không phải các chương trình vũ khí của nước này. "Khi nền kinh tế bị tổn thương nặng nề bởi các lệnh cấm vận, Triều Tiên vẫn không giảm bớt ưu tiên cho quân đội", giáo sư John Delury tại Đại học Yonsei ở Hàn Quốc nói với CNN. Trong khi đó, lệnh cấm vận ngặt nghèo cùng tình trạng hạn hán kéo dài đã khiến hàng triệu người dân Triều Tiên lâm vào cảnh thiếu đói, rất cần sự hỗ trợ nhân đạo của cộng đồng quốc tế.
Trong cuộc họp báo tối qua, Ngoại trưởng Triều Tiên nhấn mạnh nếu Mỹ dỡ bỏ một số lệnh cấm vận đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế và cuộc sống người dân của họ, Bình Nhưỡng sẽ dỡ bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn các cơ sở sản xuất hạt nhân, bao gồm plutonium và uranium, và cho phép chuyên gia Mỹ vào thanh sát.
Truyền thông Hàn Quốc dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết ông Kim Jong-un muốn được dỡ bỏ 5 lệnh trừng phạt được đưa ra trong giai đoạn 2016-2017, nhắm vào hoạt động xuất khẩu than đá, đồ dệt may và hải sản, vốn là những nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, quan điểm này dường như không thuyết phục được Tổng thống Trump và các cố vấn của ông, khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn giữ nguyên trạng, với các lệnh trừng phạt vẫn tiếp tục được thực thi. Tuy nhiên, Trump khẳng định ông không xem xét việc tiếp tục gia tăng lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng, đồng thời bày tỏ hy vọng về khả năng tiếp tục đàm phán trong tương lai.