Axie Infinity
Axie Infinity là một dự án trò chơi điện tử kết hợp blockchain "gây sốt" thời gian qua. Game lấy cảm hứng từ Pokemon, do Sky Mavis phát triển từ năm 2017. Trên sách trắng của dự án, người sáng lập Axie Infinity là Nguyễn Thành Trung, sinh năm 1992.
Trong game, người chơi sẽ sở hữu một đội thú cưng "ảo" được gọi là Axie. Tuy nhiên, các Axie này không cung cấp miễn phí. Thay vào đó người chơi phải bỏ ra số tiền ban đầu khoảng 1.000 USD (khoảng 25 triệu đồng). Đây được xem là rào cản của không ít người chơi khi mới bắt đầu.
Sau khi xây dựng đội hình, người chơi sẽ đi chiến đấu, nhân giống, hoặc thu thập các thú hiếm. Phần thưởng nhận về từ việc chiến đấu thắng hoặc bán Axie là các đồng tiền mã hóa tên Smooth Love Potion (SLP), có thể bán lấy tiền. Theo thống kê, trung bình một người chơi chuyên nghiệp có thể thu được 5.400 đến 7.500 SLP mỗi tháng, tương đương 30 đến 40,5 triệu đồng.
Số liệu mới nhất của Sky Mavis, game hiện có khoảng 350.000 tài khoản hoạt động hàng ngày, 40% số đó tại Philippines, tiếp theo là Venezuela và Mỹ. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia có nhiều người chơi Axie Infinity.
The Sandbox
The Sandbox là một hệ sinh thái trò chơi phi tập trung dựa trên Ethereum, nơi người dùng có thể tạo, chia sẻ và kiếm tiền từ các tài sản và trải nghiệm chơi game. Game được nhà sản xuất Pixowl đưa vào thử nghiệm cuối 2020 và là dự án blockchain hóa phiên bản game mobile nổi tiếng ra mắt 2012. Mục tiêu của trò chơi là giúp người chơi được tự do hoàn toàn, không phải chịu sự quản lý của nhà điều hành game.
So với bản cũ, phiên bản mới của The Sandbox được thiết kế 3D đẹp mắt hơn. Trong game, người chơi có thể tham gia kiếm tiền, sở hữu và xây dựng một thế giới riêng, thông qua việc sử dụng đồng tiền số SAND. Token này được dùng cho hầu hết các tính năng game, như chi phí chơi trò chơi, mua bán vật phẩm, tùy chỉnh hình đại diện... Tính đến 2/8, SAND hiện có giá 0,6 USD mỗi đồng.
SAND cũng có thể được dùng để mua bán "bất động sản kỹ thuật số" trong game gọi là LAND. Mỗi "mảnh đất" này có diện tích 96 x 96 mét (diện tích hiển thị bên trong game) và chỉ có 166.464 bất động sản "ảo" như vậy tồn tại. Điều này cũng đồng nghĩa chúng sẽ tăng giá theo thời gian.
Bên cạnh đó, người chơi có thể tạo ra các tài sản NFT (Non-Fungible Tokens) như xe cộ, tranh, game... sau đó tải lên và bán qua công cụ Sandbox Game Maker. Mọi vật phẩm trong trò chơi được gắn một mã định danh riêng, đảm bảo quyền sở hữu của người chơi là duy nhất.
Decentraland
Ra mắt năm 2017, Decentraland là game thực tế ảo vận hành trên nền tảng blockchain và cũng là game đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ blockchain của Ethereum. Tương tự The Sandbox, Decentraland mô phỏng một xã hội thu nhỏ, nơi người chơi có thể xây dựng nhân vật, mua nhà, xe, tham gia các sự kiện...
Đối với Decentraland, người chơi có thể giao dịch mọi nội dung được số hóa NFT, thông qua token có tên MANA. Tính đến 2/8, tiền số này đang ở mức 0,7 USD mỗi đồng, vốn hóa thị trường 2,6 tỷ USD. Hồi tháng 5, token này đạt mức 1,6 USD, biến nhiều người chơi Decentraland thành triệu phú USD.
Các bất động sản kỹ thuật số trong game cũng được săn lùng. Theo DappRadar, một "mảnh đất" trong Decentraland đã lập kỷ lục giao dịch với hơn 900.000 USD (hơn 21 tỷ đồng).
CryptoKitties
CryptoKitties lấy cảm hứng từ việc nuôi mèo "ảo". Đây cũng là game dựa trên blockchain "đời đầu" khi được phát hành năm 2017. Ban đầu, trò chơi chạy trên chuỗi khối Ethereum nhưng đã chuyển sang blockchain chuyên dụng riêng có tên Flow từ tháng 5/2020.
CryptoKitties chính là game mà Axie Infinity lấy cảm hứng, do đó cả hai có cách chơi giống nhau. Tuy nhiên, CryptoKitties chỉ tập trung duy nhất vào việc nuôi và nhân giống mèo "ảo", sau đó bán lấy tiền. Mèo có chỉ số càng hiếm, số tiền bán được càng cao. Tuy nhiên, khác với các trò chơi có tiền số riêng, CryptoKitties vẫn dùng đồng ETH để giao dịch. Theo Remitano, số tiền người chơi đổ vào mèo "ảo" có thời điểm vượt 12 triệu USD mỗi ngày.
Bảo Lâm