Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM dự kiến mở 6 ngành, gồm: Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm; Quản lý tài nguyên và môi trường (chuyên ngành môi trường và phát triển bền vững); Công nghệ tài chính; Quản trị kinh doanh; Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường); Công nghệ truyền thông (truyền thông số và công nghệ đa phương tiện).
Như vậy, số ngành đào tạo của trường là hơn 50. Dù chưa công bố chỉ tiêu từng ngành, tổng lượng tuyển dự kiến tăng so với mức hơn 6.000 của năm ngoái.
6 ngành mới theo dự kiến của Đại học FPT là Công nghệ tài chính (Fintech), Tài chính ngân hàng số (Digital Banking and Finance), Tài chính doanh nghiệp, Tài chính đầu tư, Luật kinh tế, Luật thương mại quốc tế.
Nhà trường cho biết đã khảo sát nhu cầu, yêu cầu của thị trường tuyển dụng để xây dựng chương trình, đảm bảo đầu ra.
Đại học Luật TP HCM dự kiến mở ngành Tài chính ngân hàng và Kinh doanh quốc tế, tăng 800 chỉ tiêu so với năm ngoái. Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách Đào tạo, hôm 27/12 cho biết việc mở ngành mới theo xu hướng phát triển, hướng đến đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.
Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội đang nghiên cứu mở mới chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn, dự kiến tuyển 100 chỉ tiêu cho năm 2025.
Trường cho rằng có lợi thế lớn so với các đại học khác ở Việt Nam khi nhận được sự hậu thuẫn từ nhiều đối tác chính phủ, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp Nhật Bản.
Đại học Thương mại không mở ngành nhưng sẽ có 7 chương trình đào tạo mới thuộc nhóm định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), gồm: Quản trị thương hiệu (ngành Marketing), Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (Kiểm toán), Kinh tế và Quản lý đầu tư (Kinh tế), Luật kinh doanh (Luật kinh tế), Thương mại điện tử (Thương mại điện tử), Quản trị Hệ thống thông tin (Hệ thống thông tin quản lý), Tiếng Trung thương mại (Ngôn ngữ Trung Quốc). Dự kiến, mỗi chương trình tuyển 80-100 sinh viên.
GS.TS Nguyễn Hoàng Việt, Phó hiệu trưởng, hồi tháng 10 nhận định các cử nhân sẽ gặp thách thức về sử dụng công nghệ, xử lý dữ liệu lớn (big data) cũng như đòi hỏi của các doanh nghiệp về kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, trường thay đổi tư duy xây dựng chương trình đào tạo, cập nhật nội dung gắn với thực tiễn.
Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cũng có 6 chương trình đào tạo mới ở bậc cử nhân, do đối tác đại học ở Anh cấp bằng. Đó là Khoa học dữ liệu và Phân tích Kinh doanh, Quản trị và Đổi mới Kỹ thuật số (do Đại học London cấp bằng, Học viện Kinh tế và Khoa học Chính trị London chỉ đạo học thuật); Sản xuất Phim và Truyền thông (Đại học Nghệ thuật Bournemouth cấp bằng); Kỹ thuật Phần mềm (Đại học Stirling); Quản trị Du lịch, Quản lý Tổ chức Sự kiện (Đại học Bournemouth).
Một số trường không mở ngành mới nhưng dự kiến tăng chỉ tiêu. Ví dụ, Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.990 sinh viên cho 62 ngành và chương trình, tăng 340 chỉ tiêu so với năm ngoái. Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng 10-30 chỉ tiêu các ngành Y học cổ truyền, Dược học, Điều dưỡng.
Các đại học đang đợi quy chế tuyển sinh mới từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước khi công bố phương án năm 2025.
Dương Tâm