Sunday Times cáo buộc 15/24 đại học thuộc nhóm Russell (các đại học nghiên cứu công lập hàng đầu), hạ tiêu chuẩn đầu vào, tạo "cửa sau" cho sinh viên quốc tế để tăng doanh thu, hồi cuối tháng 1. Thông tin của tờ này cho thấy các trường đã thuê đại lý tuyển sinh viên ở Trung Đông, châu Phi và châu Á vào khóa học dự bị với chi phí 16.000 bảng (492 triệu đồng) và trả thù lao bằng 20% học phí.
Thông thường, du học sinh cần học khóa dự bị trước khi vào chương trình chính thức. Cáo buộc chỉ ra rằng họ chỉ cần đạt điểm C, D trong kỳ thi chứng chỉ A level (dùng xét tuyển đầu vào đại học tại Anh), để vào khóa này rồi chuyển tiếp. Trong khi đó, sinh viên nội địa phải đạt điểm A và A+ mới được vào đại học.
Tờ Sunday Times lấy ví dụ Đại học York yêu cầu nhân viên "linh hoạt hơn" trong tiếp nhận sinh viên quốc tế có điểm thấp, còn đại lý tuyển sinh cho Đại học Durham và Exeter tuyên bố du học sinh điểm kém có thể dễ dàng được nhập học chính thức, thông qua khóa dự bị.
Trong video được ghi bí mật, một đại lý tuyển sinh nói: "Sinh viên quốc tế trả nhiều tiền hơn và các đại học sẽ nhận được gần như gấp đôi, vì vậy họ dành nhiều thời gian hơn cho sinh viên quốc tế". Một người khác thì ví các khóa dự bị giống như "cửa sau" để sinh viên quốc tế được vào các đại học ở Anh.
Các trường cho biết cáo buộc là vô căn cứ. Vivienne Stern, giám đốc điều hành hiệp hội đại học tại Anh (UUK), cho biết các chương trình dự bị được thiết kế để chuẩn bị cho sinh viên trước khi vào chương trình chính khóa, có quy trình tuyển sinh riêng và yêu cầu đầu vào khác nhau so với khóa chính thức.
"Các chương trình dự bị không đảm bảo việc được nhập học chính thức. Tờ Sunday Times không phân biệt được yêu cầu đầu vào với hai chương trình này", bà nói, cho biết hầu hết thành viên UUK cũng tổ chức các khóa dự bị cho sinh viên Anh, với yêu cầu đầu vào tương tự sinh viên quốc tế.
Ngoài ra, các trường chỉ trích báo cáo của Sunday Times bỏ qua số liệu cho thấy số lượng sinh viên nội địa theo học tại các trường thuộc nhóm Russell tăng. Năm học 2021-2022, số sinh viên nội địa tăng hơn 41.000, trong khi du học sinh giảm hơn 7.300 so với năm trước đó, theo báo cáo của Cơ quan thống kê giáo dục đại học Anh (Hesa).
Để giải quyết cáo buộc, UUK cho hay sẽ ủy quyền cho Cơ quan đảm bảo chất lượng đánh giá nhanh các khóa học dự bị, so sánh yêu cầu cầu vào của du học sinh và sinh viên nội địa. Ngoài ra, các đại học sẽ xem xét việc sử dụng đại lý tuyển sinh và cập nhật các quy tắc tuyển sinh viên quốc tế.
"Sinh viên, gia đình và chính phủ phải tin tưởng rằng hệ thống này công bằng, minh bạch và mạnh mẽ", UUK cho biết.
Các đại học tại Anh phụ thuộc nhiều vào thu nhập từ sinh viên quốc tế kể từ năm 2016. Chính phủ quy định học phí đại học với sinh viên trong nước luôn duy trì mức dưới 9.250 bảng mỗi năm. Tuy nhiên, các đại học được tự do tăng học phí với sinh viên quốc tế, có thể lên đến 40.000 bảng mỗi năm. Một cuộc điều tra của Guardian năm ngoái cho thấy nguồn thu từ sinh viên quốc tế chiếm 1/5 thu nhập của nhiều trường.
Doãn Hùng (Theo Daily Mail, Guardian, The Tab, Times Higher Education)