Đầu tháng 7, Minh Anh, 18 tuổi, quê Hải Dương, nhận kết quả trúng tuyển học bạ vào ngành kỹ thuật của một trường đại học ở miền Bắc. Dù vậy, Minh Anh hoang mang khi trường yêu cầu thí sinh đạt điều kiện trúng tuyển phải cam kết đăng ký ngành này là nguyện vọng 1.
"Ban đầu, em đọc đề án tuyển sinh và thấy khá dễ hiểu. Tuy nhiên, em thắc mắc khi thông báo đạt điểm chuẩn lại yêu cầu em xếp trường ở nguyện vọng 1. Thực hiện yêu cầu này, em mới được công nhận trúng tuyển sau khi có kết quả tốt nghiệp", Minh Anh kể. Nữ sinh và mẹ cảm thấy "khá bất công cho thí sinh vì gần như bị ép buộc đăng ký".
Cũng như Minh Anh, những tuần qua, nhiều học sinh nhận được kết quả của các phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên, thay vì chỉ thông báo điểm chuẩn và các danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, một số đại học gửi giấy báo nhập học, yêu cầu thí sinh xếp ngành đã đạt điểm chuẩn là nguyện vọng 1 khi đăng ký trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thậm chí có trường bắt thí sinh nộp tiền học giữ chỗ.
Ngày 25/7, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội gửi giấy báo nhập học chính quy tới các thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm. Thời gian nhập học là từ ngày 29 đến 31/8. Sau hạn này, thí sinh không được công nhận nhập học - giấy báo nêu.
Trong hồ sơ nhập học, trường yêu cầu giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT bản chính, còn lại chấp nhận photo công chứng. Ở phần cuối của giấy báo, trường liệt kê các loại học phí, lệ phí, tổng hơn 7,3 triệu đồng.
Theo lý giải của đại diện trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, giấy báo này là căn cứ chuẩn bị giấy tờ, tài chính cho những thí sinh trúng tuyển và muốn theo học tại trường. Về học phí, khi chính thức học, thí sinh mới cần nộp và trường sẽ cho các em rút lại tiền nếu "đã nộp nhưng sau không thích học nữa".
Vị này thừa nhận việc không công nhận thí sinh nhập học sau 31/8 trái với tinh thần chung đảm bảo quyền lợi cho thí sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dù vậy, đại diện trường cho rằng giấy báo nhập học "chỉ như một hình thức cam kết", thí sinh nếu nộp giấy tờ bản gốc vẫn được trả lại nếu thay đổi lựa chọn.
Trả lời VnExpress vào ngày 23/7, Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định việc đại học yêu cầu thí sinh nhập học sớm, bắt các em xác nhận đăng ký nguyện vọng 1 hoặc đặt cọc giữ chỗ vi phạm quy chế tuyển sinh đại học năm 2022.
Năm nay, các đại học không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch chung của Bộ, mà chỉ được phép công bố và tải danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh đăng ký xét tuyển qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia theo kế hoạch chung. Các em vẫn được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường không hạn chế số lượng; sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.
Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất. Hệ thống của Bộ sẽ tự động loại bỏ khỏi danh sách những nguyện vọng thấp của thí sinh đã trúng tuyển các nguyện vọng cao hơn.
Thí sinh trúng tuyển theo diện tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học sớm khi đủ điều kiện hoặc theo kế hoạch chung như những thí sinh khác. Các trường không được thỏa thuận hoặc bắt buộc các em xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào.
Không chỉ học sinh trúng tuyển năm nay, thí sinh tự do (những người đã tốt nghiệp THPT) cũng bối rối trong việc nắm bắt các quy định về tuyển sinh đại học năm nay. Trần Hoàng Hải Anh, 23 tuổi, cho biết gặp khó khăn khi tìm kiếm thông tin, hướng dẫn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên cổng của Bộ với thí sinh tự do.
Tại buổi tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng ngày 24/7, bà Thủy cho biết thí sinh tự do như Hải Anh phải trực tiếp đến trường THPT, nơi các em đã đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, để cung cấp thông tin, sau đó được trường tạo tài khoản trực tuyến trên cổng thông tin của Bộ. "Các bước tiếp theo, thí sinh tự do thực hiện như học sinh tốt nghiệp THPT năm nay và hoàn toàn trực tuyến", bà Thủy nói.
Ngoài những thắc mắc, ngay cả khi đã nắm chắc quy chế và yêu cầu của từng phương thức tuyển sinh, thí sinh vẫn bối rối. Xuân Đạt, 18 tuổi, quê Hải Phòng, cho biết đã xét tuyển học bạ vào trường Đại học Hàng hải Việt Nam và đây là nguyện vọng hàng đầu của em.
Tuy nhiên, thay vì công bố điểm chuẩn của các phương thức xét tuyển sớm như cách làm của nhiều trường, Đại học Hàng hải Việt Nam lấy hạn nộp hồ sơ xét học bạ, xét tuyển kết hợp từ 22/7 đến 20/8 - trùng với thời gian đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng tại phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
"Hạn kết thúc nộp hồ sơ xét học bạ muộn như vậy khiến em rất lo lắng, không biết nên sắp xếp nguyện vọng nào trước, sau. Em không nắm chắc cái gì trong tay như các bạn đã được báo đủ điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm của các trường khác", Đạt nói.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong tư vấn tuyển sinh đại học, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo trường Đại học Ngoại Thương, chia sẻ một số nguyên tắc giúp thí sinh và phụ huynh lựa chọn và sắp xếp nguyện vọng phù hợp dựa trên sở thích, khả năng.
Theo bà Hiền, thí sinh nên chọn ngành trước, vì ngành sẽ quyết định nghề sau này; sau đó mới chọn trường để nguyện vọng đó phù hợp với phong cách sống và điều kiện tài chính.
Đại diện trường Đại học Ngoại thương nhận định điều quan trọng khi sắp xếp nguyện vọng là cần chia chúng thành ba nhóm. Trong đó, nhóm nguyện vọng giữa phù hợp nhất với khả năng của thí sinh, đồng thời là nhóm có cơ hội đỗ cao nhất, rồi sắp xếp theo thứ tự ưu tiên ngành và trường. "Tịnh tiến lên trên là các ngành thí sinh yêu thích hơn nhưng cơ hội trúng tuyển thấp hơn một chút, còn phía dưới gồm các nhóm ngành an toàn, đảm bảo đỗ.", bà Hiền chia sẻ thêm.
Với trường hợp của Xuân Đạt, bà Hiền cho rằng nam sinh có thể đặt nguyện vọng xét tuyển học bạ tại trường Đại học Hàng hải Việt Nam ở mức giữa và cao, nếu thật sự yêu thích và tự tin vào khả năng trúng tuyển của mình.
Để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học cần có trách nhiệm và quyền lợi giải đáp vướng mắc, hướng dẫn thí sinh chọn ngành phù hợp. Bà cho biết thêm các địa phương cũng có thể phối hợp với các trường phổ thông, đại học để nhắc nhở, hỗ trợ thí sinh về mặt thông tin, quy trình đăng ký nguyện vọng.
Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần nghiên cứu đề án tuyển sinh của các trường và quy chế tuyển sinh đại học. Việc này giúp các em chủ động trong việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng. Thí sinh có thể trao đổi, đặt câu hỏi về số điện thoại (024.3218.1385, 024.3218.1386, 024.3229.3009, 024.3869.2392) hoặc email hỗ trợ tuyển sinh (hotroxettuyencdspvadh@moet.gov.vn) của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra vào 7-8/7 với hơn một triệu thí sinh tham dự, ít hơn năm ngoái khoảng 14.000. Trong hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi, hơn 859.500 em sẽ dùng kết quả để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học (chiếm gần 86%). Số thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT là gần 103.400 (chiếm hơn 10%). Số chỉ xét tuyển đại học và xét vào các trường cao đẳng sư phạm là hơn 33.100 (chiếm gần 4%).
Phương Anh - Ngân Hà - Hà Linh