Tại chợ đầu mối Hóc Môn - nơi bán thịt heo lớn nhất TP HCM, giá heo hơi đang giữ ổn định ở mức 70.000 đồng một kg. Theo lãnh đạo chợ này, mỗi ngày lượng heo về chợ khoảng 200 con, tăng so với tuần trước. Hiện, nguồn cung vẫn ổn định nên giá vẫn tốt.
Còn tại một số doanh nghiệp lớn, có cam kết giữ giá, heo hơi cao hơn tại chợ 7-10%. Đây là mức theo lý giải của các doanh nghiệp chính bằng thuế giá trị gia tăng (VAT).
Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty C.P cho biết, giá heo hơi mà doanh nghiệp đang bán vẫn duy trì ở mức 70.000 đồng một kg (chưa tính VAT).
Trong khi đó, tại các đầu mối nhỏ lẻ, giá heo hơi đang bị đẩy lên khá cao. Nhiều thương lái địa phương cho biết, nếu mua với mức giá 70.000 đồng một kg thì không có hàng bởi nguồn cung heo quá ít. Do đó, giá heo hơi ở nhiều địa phương lên 88.000-95.000 đồng một kg và chưa có dấu hiệu giảm.
Ông Giàu, một thương lái lớn ở Long An cho hay, hiện ông thu mua giá heo hơi tại tỉnh ở mức 93.000 đồng một kg nhưng với số lượng rất hạn chế. Nếu trước đây một ngày ông mua cả trăm con heo thì nay chỉ được khoảng 10 con, thậm chí không có hàng. Có thời điểm, ông phải mua heo từ Sóc Trăng, Trà Vinh hay một số tỉnh khác ở miền Tây chuyển về để giết mổ trong tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, Sóc Trăng, Long An..., giá heo hơi tại các địa phương này đang ở mức 85.000-95.000 đồng một kg.
Trước việc chênh lệch giá heo hơi khá lớn như trên, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty C.P cho rằng, công ty không tăng giá theo thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ. Thực tế, mức giá này doanh nghiệp không có lãi nhiều trong bối cảnh chi phí tăng cao từ con giống, nguyên liệu cho tới nhân công, nhất là dịch bệnh khiến nguồn cung heo bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, theo ông, trước đó để đảm bảo bình ổn thị trường, doanh nghiệp này đã bán lượng lớn heo với tỷ trọng tăng 20-30% so với cùng kỳ. Do đó, thời điểm này nguồn cung đang giảm mạnh nên nhiều doanh nghiệp trước đây mua hàng của C.P nay cũng khó được đáp ứng vì nguồn heo hạn chế.
Trong khi đó, lý giải cho việc giá heo hơi tăng cao "bất thường", ông Giàu - thương lái lớn ở Long An cho rằng, heo hơi tại địa phương khan hiếm và đang dần cạn kiệt nên giá ngày một leo thang.
Ông cho rằng, không giống người dân thành phố, nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn chỉ thích dùng thịt heo nóng nên hàng đông lạnh dù có nhập về nhiều cũng chỉ bán cho quán ăn. Do đó, giá heo hơi tại tỉnh tăng cục bộ theo nhu cầu.
Ông Giàu cũng cho biết, giá heo hơi tại tỉnh này còn phân chia theo nhiều mức giá khác nhau nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận. Đặc biệt, đối với con có trọng lượng khoảng 20-30 kg có giá lên tới 150.000 đồng mỗi kg heo hơi. Đây là mức được người dân bán theo giá heo sữa hơi.
Cũng cho rằng khó có thể giữ giá heo hơi như các doanh nghiệp lớn, ông Năm, thương lái ở Hà Nam cho biết, heo hơi tại đây ở mức 96.000 đồng một kg. Giá này chỉ bán cho các đầu mối chuyên mổ heo nhỏ lẻ và bán tại địa phương.
Theo ông, thực tế rất khó để đưa giá heo hơi về mức 60.000 đồng một kg như kỳ vọng của Thủ tướng dù ồ ạt nhập hàng đông lạnh. Bởi giá heo tại địa phương đang là giá thực và diễn biến theo cung cầu tại cơ sở nên khó hạ nhiệt trong bối cảnh "cầu cao cung thấp".
Cũng cho rằng, giá heo hơi đang tăng đột biến cục bộ theo nhu cầu tại các địa phương ở cả 3 miền, lãnh đạo Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ cho rằng, nguồn cung hàng hóa tại các địa phương đang giảm mạnh. Nếu so với thời điểm trước đó 1 tháng, sức mua của thị trường đang tăng trở lại do hàng quán, trường học mở cửa.
Tuy nhiên, cơ quan này nhận định, mức giá cao có thể chỉ duy trì trong một thời gian sẽ hạ khi tình hình chăn nuôi ổn định hơn. Mặt khác, giá quá cao, người tiêu dùng sẽ giảm chi "hầu bao" và sản phẩm này ắt tự hạ nhiệt về mức dưới 90.000 đồng một kg. Còn về mức 60.000 đồng như kỳ vọng của Chính phủ sẽ khó do nhiều yếu tố ảnh hưởng từ con giống, thức ăn chăn nuôi cho tới chi phí khác liên quan đang tăng cao.
Thi Hà