Sau khi thống nhất Trung Hoa năm 221 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng yêu cầu thống nhất tiền tệ trên toàn quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, hệ thống tiền tệ hai cấp được ban hành, với loại cao cấp làm từ vàng, loại thấp hơn làm từ đồng.
Đến thế kỷ 7, tiền giấy xuất hiện dưới triều Đường (618-907), trở thành loại tiền giấy đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, tới triều Nguyên, tiền giấy mới được lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc.
Triều Nguyên (1278-1368) được thành lập sau khi quân Mông Cổ chinh phạt Trung Quốc. Sau khi lên ngôi, Hốt Tất Liệt tìm cách tiêu diệt Nam Tống và bắt đầu một số cuộc chiến tranh vào những năm 1270 để thống nhất nam bắc Trung Quốc.
Hốt Tất Liệt cho ban hành ngân phiếu, trở thành chế độ chính trị đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc sử dụng tiền giấy làm công cụ thanh toán hợp pháp duy nhất. Ông thực hiện chính sách này bằng cách sung công vàng, bạc từ các cá nhân và thương nhân ngoại quốc, rồi trao ngân phiếu do nhà nước ban hành cho họ theo tỷ lệ quy đổi.
Trung Quốc sau đó chuyển từ nền kinh tế sử dụng tiền xu bằng đồng sang ngân phiếu, hệ thống tiền tệ tiêu chuẩn sớm nhất thế giới. Động thái này đã thay thế hệ thống tiền tệ gồm tiền đồng, tiền sắt và bạc thỏi, chấm dứt sự hỗn loạn trong hệ thống tiền tệ những thập kỷ trước.
Điều này cũng khiến Hốt Tất Liệt được coi là người đầu tiên tạo ra tiền pháp định. Tiền giấy kiểu ngân phiếu giúp việc thu thuế và quản lý một đế quốc rộng lớn trở nên dễ dàng hơn, đồng thời làm giảm chi phí vận chuyển tiền kim loại.
Khi tới Trung Quốc thời kỳ này, nhà thám hiểm Marco Polo đã vô cùng kinh ngạc khi chứng kiến hệ thống tiền tệ mà hoàng đế Hốt Tất Liệt tạo ra.
"Ở thành phố Cambalu (Đại Đô, kinh đô của nhà Nguyên, ngày nay là Bắc Kinh), có xưởng in tiền của Đại hãn. Tiền giấy lưu hành khắp nơi trên lãnh thổ của Đại hãn, không ai dám mạo hiểm tính mạng từ chối nhận thanh toán bằng ngân phiếu", nhà thám hiểm viết trong quyển thứ hai bộ Marco Polo du ký.
Marco Polo cho hay mọi người có thể dùng ngân phiếu để mua hàng hóa như ngọc trai, trang sức, vàng hay bạc ở bất kỳ nơi nào. Binh lính trong quân đội cũng được trả lương bằng ngân phiếu.
Cùng với việc khuyến khích phát triển kinh tế trong nước, Hốt Tất Liệt thi hành chính sách bành trướng để không ngừng mở rộng lãnh thổ. Theo lời khuyên của các cận thần, ông phát động các cuộc xâm lược nhắm vào khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản.
Nhưng các cuộc chiến liên miên được coi là lý do quan trọng khiến ngân khố nhà Nguyên cạn kiệt. Cùng với kỹ năng quản lý tiền giấy kém và kỷ luật tài chính lỏng lẻo, đồng tiền dưới triều Nguyên nhanh chóng mất giá.
Để lấn át tiền giấy Hội Tử của Nam Tống, nhà Nguyên cho in lượng lớn tờ Trung Thống (tờ tiền Hốt Tất Liệt). Thời kỳ này cũng đánh dấu nhà Nguyên đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và công trình công cộng, khiến tình hình lạm phát thêm trầm trọng.
Năm 1287, nhà Nguyên ban hành loại tiền giấy nữa có tên Chí Nguyên, có giá trị gấp 5 lần tờ Trung Thống. Hai loại tiền đều được phép lưu hành, nhưng giá trị đồng Trung Thống đã giảm 80%.
Từ khi được ban hành lần đầu năm 1260 tới năm 1309, tiền giấy đã mất giá trị 1.000%. Năm 1311, hai loại tiền này được phát hành lại nhưng không còn được đảm bảo bằng bạc. Hệ thống tiền tệ đã đổi thành tiền định danh tồn tại trong 40 năm.
Năm 1352, đồng tiền giấy có tên Chí Chính được phát hành, nhưng triều Nguyên sụp đổ khiến nó nhanh chóng mất giá. Tiền giấy gần như vô giá trị vào thời điểm nhà Minh lật đổ nhà Nguyên năm 1368. Khi đó, đa số người dân tại các thành thị đã quay lại với nền kinh tế hàng đổi hàng.
Chiến tranh là một trong những nguyên nhân chính khiến hệ thống tiền giấy của nhà Nguyên sụp đổ, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng còn những yếu tố khác như diện tích quá lớn của Trung Quốc, khiến việc quản lý đồng tiền gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, Trung Quốc thiếu dự trữ bạc trong nước, phải nhập khẩu từ Nhật Bản và sau đó từ châu Mỹ, khiến thâm hụt thương mại kéo dài đến cuối thời nhà Minh.
Thiếu vàng bạc dự trữ khiến người dân không thể đổi tiền theo tỷ giá cố định. Vào những năm 1350, tiền giấy được các đơn vị tư nhân, chính quyền trung ương và địa phương phát hành, khiến tín dụng gia tăng và giá trị đồng tiền sụt giảm nghiêm trọng.
Yếu tố cuối cùng dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống tiền giấy của nhà Nguyên là tình hình hỗn loạn sau khi Hốt Tất Liệt qua đời, tạo ra khoảng trống quyền lực. Triều Nguyên đã chi một lượng lớn tiền trong kho bạc để duy trì hệ thống quan lại và hoàng tộc nhằm ổn định chế độ, vượt qua giai đoạn rối loạn này.
Đến cuối thế kỷ 13, giá cả hàng hóa thời Nguyên tăng gấp 10 lần, khiến cuộc sống của dân thường vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế học và sử học cho rằng không thể coi triều Nguyên đã trải qua thời kỳ siêu lạm phát, bởi theo tiêu chuẩn hiện đại, tỷ lệ lạm phát của triều Nguyên chỉ ở mức 5,2% mỗi năm. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự phát triển của đế chế, xung đột cùng chiến tranh dai dẳng là những lý do chính khiến triều đại và đồng tiền nhà Nguyên sụp đổ.
Hồng Hạnh (Theo Ancient)