Hydra magnipapillata, một loài sinh vật không xương sống, là loài mới được phát hiện với đặc điểm sống gần như bất tử và không bị ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa theo thời gian. Hydra magnipapillata sống ở môi trường nước ngọt có tỷ lệ tử vong rất thấp, và trong điều kiện thí nghiệm thì chúng gần như bất tử.
Theo dữ liệu phân tích, nhóm nghiên cứu nhận thấy thậm chí sau 1.400 năm nữa, 5% trong tổng số lượng cá thể của loài, được giữ trong điều kiện ở phòng thí nghiệm, vẫn sống.
Đây là phát hiện được nhóm nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học ở Đan Mạch trong quá trình nghiên cứu tuổi thọ và quá trình lão hóa ở 46 loài, bao gồm động vật có vú, thực vật, nấm và tảo, các nhà khoa học.
Cũng theo kết quả phân tích, quá trình lão hóa và tác động của nó đến các loài không giống nhau. Một số loài như ếch chân đỏ, hoa đỗ quyên, thằn thằn, bào ngư đỏ, ngựa, chim bạc má..., có sự thay đổi trong tỷ lệ tử vong theo tuổi tác ít hơn.
Đối với nhiều loài sinh vật, tỷ lệ tử vong của chúng sẽ tăng theo tuổi, biểu hiện rõ nhất ở các loài động vật có vú, cá heo, cá voi, hay côn trùng như bọ chét. Tuy nhiên, một số loài khác lại cho thấy nguy cơ tử vong giảm dần khi về già như rùa sa mạc hay các cây ở rừng ngập mặn.
"Không ít người, trong đó có cả giới khoa học, đều tin rằng quá trình lão hóa là điều không thể tránh khỏi và xảy ra ở tất cả mọi tổ chức sống trên Trái Đất. Giống như con người, các loài khác đều yếu đi khi già và chết. Tuy nhiên, điều này lại không hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp", Nature World News dẫn lời Owen Jones, nhà sinh vật học tiến hóa, cho biết.
Nhóm nghiên cứu kết luận, ở hầu hết các loài trong tự nhiên, quá trình lão hóa sẽ khiến sức khỏe và sự dẻo dai của chúng đều yếu dần đi theo thời gian. Tuy nhiên, quá trình lão hóa không giống nhau ở tất cả mọi loài, tỷ lệ tử vong khi về già của các loài cũng khác nhau.
Thùy Linh