Mặc dù tôm hùm vẫn dễ bị chết khi nhiễm bệnh hoặc bị tấn công, nhưng về mặt lý thuyết chúng có thể sống rất lâu. Với tôm hùm, sống càng lâu không đồng nghĩa với sắp chết.
Telegraph dẫn lời nhà khoa học Simon Watt cho biết trong tế bào tôm hùng có một loại enzyme tên là Telomerase. Enzyme này giúp dãy DNA không bị phá hủy khi tế bào được nhân rộng.
Khi tế bào trong cơ thể sinh vật chết đi hoặc bị thay thế, các sợi DNA sẽ càng ngắn hơn. Chuỗi DNA xói mòn dần được cho là nguyên nhân chính dẫn tới sự lão hóa, vì dãy vật chất di truyền này bị hư hỏng nặng để có thể tạo ra các tế bào mới hoàn chỉnh.
Enzyme Telomerase ngăn việc phá hủy DNA bằng cách sửa chữa các Telomeres trong tế bào, điều này đồng nghĩa với việc các tế bào có thể được sao chép nhiều lần.
Những nghiên cứu về Telomerase có thể hỗ trợ việc sử dụng các enzyme để tăng tuổi thọ và ngăn ngừa ung thư.
Tôm hùm thường nặng khoảng 0,5-1 kg. Tuy nhiên vào năm 2009, một con tôm hùm bắt được tại bờ biển Maine, Mỹ, nặng tới gần 9 kg. Ước tính con tôm khổng lồ này có tuổi thọ lên tới 140 năm.
Thu Nga