Ở hầu hết các đàn kiến, chỉ con chúa mới có khả năng đẻ trứng. Tất cả những con kiến cái còn lại đều "bị triệt sản". Điều đó có nghĩa là nếu kiến chúa chết, cả đàn của nó sẽ sụp đổ theo. Tuy nhiên, kiến nhảy Ấn Độ (Harpegnathos saltator) là một ngoại lệ.
Loài côn trùng có bộ hàm trông như cái kẹp này chỉ được tìm thấy trong các khu rừng dọc theo bờ biển phía tây Ấn Độ. Trong tổ chức bầy đàn của chúng, nếu con chúa chết, các kiến thợ sẽ tổ chức một "cuộc thi" để đưa một con cái khác lên vị trí đầu đàn. Con kiến được lựa chọn sau đó có thể thu hẹp kích thước não và mở rộng buồng trứng tới 25% để phục hồi khả năng sinh sản.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới xuất bản hôm 14/4 trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences tiết lộ rằng những con kiến chúa mời này vẫn có thể bị "hạ bệ" và trở về làm kiến thợ. Khi đó, buồng trứng của nó co lại một lần nữa và não phát triển trở lại, một kỳ tích phi thường mà trước đây chưa từng xảy ra ở côn trùng.
"Trong thế giới động vật, khả năng đảo ngược sự phát triển não như vậy rất độc đáo", tác giả chính của nghiên cứu Clint Penick, Phó giáo sư tại Đại học Bang Kennesaw ở Georgia, nhấn mạnh.
Penick cùng các cộng sự cho biết thêm rằng trong một đàn kiến nhảy Ấn Độ, tất cả kiến cái (kiến thợ) đều có thể thể khôi phục khả năng sinh sản, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi chúng giành chiến thắng trong cuộc thi lựa chọn kiến chúa thay thế.
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ về cách những con kiến tranh tài trong cuộc thi này. Theo mô tả, chúng sẽ thay phiên lao vào nhau và cọ xát râu. Một nửa đàn kiến có thể tham gia vào trận đấu và trong một số trường hợp, chúng tranh tài liên tiếp suốt 40 ngày.
Trong giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, nhóm của Penick muốn tìm kiếm và phân tích các gene liên quan đến khả năng đảo ngược sự phát triển não của kiến nhảy để hiểu rõ hơn về cách chúng hoạt động.
"Tôi nghĩ rằng con người có rất nhiều điều để học hỏi từ khả năng thích nghi tuyệt vời của các loài động vật", đồng tác giả của nghiên cứu Emilie Snell-Rood, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Minnesota của Mỹ, chia sẻ.
Đoàn Dương (Theo National Geographic)