
Hình ảnh phục dựng loài Elaphrosaur ở Australia. Đồ họa: Ruairidh Duncan.
Loài mới là một thành viên thuộc nhóm khủng long chân thú cổ dài có tên là Elaphrosaur - họ hàng với khủng long bạo chúa T-rex. Hóa thạch của chúng đặc biệt hiếm với chỉ hai mẫu vật được tìm thấy trên toàn thế giới. Phát hiện ở Victoria là bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của Elaphrosaur ở Australia.
Theo báo cáo trên tạp chí Gondwana Research, loài Elaphrosaur mới sống cách đây khoảng 107 - 110 triệu năm. Con trưởng thành chỉ dài 2 m, tính cả đuôi. Chúng có hai chi trước rất ngắn và nhỏ, mỗi chân có 4 ngón.
"Đây là một trong những loài khủng long chân thú khó hiểu nhất", nhà cổ sinh vật học Steve Brusatte tại Đại học Edinburgh, Scotland nhấn mạnh. "Chúng có cổ dài bất thường, chi trước ngắn, cơ thể tương đối nhẹ và dáng đi trông khá kỳ quái".
Elaphrosaur được cho là loài chuyển tiếp từ khủng long ăn thịt sang khủng long ăn thực vật, có nghĩa chúng là động vật ăn tạp. Theo Tim Ziegler, nhà cổ sinh vật học tại Viện Victoria của Australia, loài khủng long chân thú này có thể săn động vật đơn huyệt và côn trùng. Chiếc cổ dài còn cho phép chúng ăn lá và trái cây ở trên cao.
Victoria ngày nay nằm khá gần xích đạo nhưng cách đây 110 triệu năm, vùng đất này gần với Nam Cực hơn, nhóm nghiên cứu cho biết. Nó cho thấy loài Elaphrosaur ở Australia có thể sống sót trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nơi nhiệt độ mùa đông thường giảm xuống dưới mức đóng băng.
Đoàn Dương (Theo Newsweek/Guardian)