Kết luận này được rút ra dựa trên phân tích hóa thạch đuôi gần như hoàn chỉnh của loài Spinosaurus aegyptiacus. Các mảnh xương 95 triệu năm tuổi được tìm thấy tại thành hệ địa chất Kem Kem ở biên giới giữa Morocco và Algeria, phía tây bắc sa mạc Sahara.
Trước đây, Spinosaurus chỉ được biết đến từ những hóa thạch không hoàn chỉnh. Mẫu vật nguyên vẹn nhất đã bị phá hủy trong Thế chiến II. Các loài trong chi khủng long này được mô tả có môi trường sống giới hạn trên cạn. Từng có nhà cổ sinh học cho rằng chúng là động vật bán thủy sinh nhưng ý kiến đã vấp phải nhiều tranh cãi và bị lãng quên từ nhiều thập kỷ trước.
Phát hiện mới của nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi Tiến sĩ Nizar Ibrahim từ Đại học Đại học Detroit Mercy của Mỹ, chỉ ra rằng Spinosaurus có chiếc đuôi "bất thường" với các gai thần kinh mọc ra từ trên đỉnh đốt sống và chevron hay xương hình chữ V (nằm bên dưới đốt sống) tạo thành mặt dưới của đuôi khủng long. Thông thường, các gai và chevron nhỏ dần về phía đầu đuôi nhưng ở Spinosaurus, chúng rất cao và rộng.
Các nhà khoa học tin rằng đặc điểm độc đáo này cho phép đuôi khủng long hoạt động như một mái chèo dưới nước. Nhóm của Nizar đã tái dựng một chiếc đuôi nhựa hoàn chỉnh dựa trên các mảnh xương được tìm thấy và gắn vào bộ điều khiển robot để kiểm tra các kiểu chuyển động giống như lượn sóng của con vật. Cảm biến được sử dụng để đo hiệu suất bơi của chiếc đuôi trong một bể nước tại phòng thí nghiệm của Giáo sư George V.inois thuộc Đại học Harvard, Mỹ.
Kết quả cho thấy nó có khả năng tạo ra lực đẩy gấp 8 lần so với hình dạng đuôi của các loài khủng long chân thú khác, cho phép Spinosaurus bơi qua những vùng nước sâu và xa bờ để tìm kiếm con mồi.
"Điều này giống như so sánh việc sử dụng mái chèo với một cây gậy. Nếu bạn dùng gậy để chèo thuyền, nó không tạo ra lực đẩy đáng kể. Một mái chèo hay thứ gì đó có hình dạng tương tự sẽ tạo ra khác biệt rất lớn", Ibrahim giải thích.
Nhóm nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn vì sao Spinosaurus chọn cách tiến hóa để thích nghi với cuộc sống dưới nước. Có ý kiến cho rằng chúng không muốn cạnh tranh trực tiếp với những con khủng long săn mồi to lớn hơn trên đất liền, hoặc đơn giản là chúng thích môi trường thủy sinh.
"Phát hiện đã mở ra một thế giới hoàn toàn mới về khả năng của khủng long. Chúng ta hãy chờ đợi xem khám phá trong tương lai có tiết lộ thêm những loài khủng long biết bơi khác hay không. Đây là thời điểm thực sự thú vị để trở thành một nhà cổ sinh vật học khủng long", Ibrahim nhấn mạnh.
Đoàn Dương (Theo CNN)