Kết luận được đưa ra sau khi nhóm nghiên cứu từ Trường Y khoa Hull York và Đại học Hull của Anh xem xét hơn 50 báo cáo từ năm 2014 đến nay về mức độ ô nhiễm của vi nhựa trong sinh vật biển trên toàn cầu.
Trong nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Environmental Health Perspectives vào tuần trước, các nhà khoa học cho biết, động vật nhuyễn thể chứa hàm lượng vi nhựa dao động từ 0 đến 10,5 hạt trên mỗi gram, cao hơn mức 0,1 đến 8,6 hạt trên mỗi gram ở động vật giáp xác và 0 đến 2,9 hạt trên mỗi gram ở cá. Trong đó, các mẫu vật được thu thập ở ngoài khơi bờ biển châu Á có hàm lượng vi nhựa cao nhất.
Nhóm nghiên cứu lưu ý thêm rằng Trung Quốc, Canada, Nhật Bản, Mỹ và Anh lần lượt là các thị trường tiêu thụ động vật nhuyễn thể lớn nhất hiện nay.
Tác động của vi nhựa đối với cơ thể người vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ nhưng nó đã được chứng minh là có thể đi vào chuỗi thức ăn của sinh vật biển và cuối cùng gây hại cho con người thông qua hải sản mà chúng ta tiêu thụ.
Các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ như hàu, sò, trai và ngao đa số là động vật ăn lọc, thu thập thức ăn thông qua việc lọc các hạt vật chất và thực phẩm trôi nổi trong nước. Do đó, vi nhựa trong đại dương dễ dàng đi vào chuỗi thức ăn của chúng.
Theo tác giả chính của nghiên cứu Evangelos Danopoulos từ Trường Y khoa Hull York, chất thải nhựa trên toàn thế giới dự kiến tăng gấp ba lần lên mức 155 - 265 triệu tấn mỗi năm vào năm 2060. Nếu không được xử lý, chúng sẽ bị rửa trôi xuống các sông, hồ và đại dương, sau đó phân hủy thành vi nhựa và giải phóng hóa chất độc hại vào môi trường nước.
Đoàn Dương (Theo UPI)