Cá tầm (Acipenseridae) được mệnh danh là những "hóa thạch sống" bởi chúng đã xuất hiện trên Trái Đất từ cách đây hơn 250 triệu năm. Trong số 27 loài vẫn còn tồn tại thuộc họ này, cá tầm Beluga (Huso huso) là đại diện lớn nhất.
Vào năm 1827, một con cá tầm Beluga bị bắt ở cửa sông Volga có chiều dài lên tới 7,2 m và nặng 1.571 kg, tương đương một con cá mập trắng lớn trưởng thành. Đó là mẫu vật lớn nhất từng được ghi nhận cho tới nay.
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), cá tầm Beluga có thể sống hơn 100 năm trong môi trường hoang dã. Khi phát triển tới kích thước tối đa, chúng trở thành động vật săn mồi đỉnh bảng, chủ yếu ăn các loài cá lớn như cá chép và cá hồi. Loài này đôi khi săn cả động vật thân mềm, chim thủy sinh, hải cẩu non và những loài cá tầm khác.
Tuổi thọ cao và đặc tính săn mồi tích cực là hai trong những lý do giải thích tại sao cá tầm Beluga có thể phát triển tới kích thước lớn như vậy, chuyên gia Phaedra Doukakis từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) nói với Live Science.
Tuy nhiên, ngày nay hầu hết cá tầm không thể vượt quá chiều dài 3,5 m. Nguyên nhân là do áp lực từ việc đánh bắt quá mức, khiến các cá thể lớn và nhiều tuổi ngày càng trở nên hiếm trong những thập kỷ gần đây.
Mặc dù được phân loại là cá nước ngọt (vì nở ra tại các bãi đẻ trứng trên sông), cá tầm Beluga khi trưởng thành lại dành nhiều thời gian sống trong môi trường nước mặn và nước lợ. Đó là lý do trước đây chúng không được công nhận là cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Danh hiệu này từng thuộc về cá da dầu (Pangasianodon gigas) một loài cá "thuần nước ngọt" ở Đông Nam Á. Chúng có thể phát triển tới chiều dài hơn 3 m và nặng 150 - 350 kg.
Cả hai loài cá khổng lồ này hiện đều bị coi là "cực kỳ nguy cấp" trong Sách Đỏ IUCN. Bên cạnh mối đe dọa từ nạn đánh bắt quá mức, việc xây dựng các con đập trên sông cũng làm gián đoạn môi trường sống và sinh sản của chúng.
Đoàn Dương (Theo Live Science)