Cá vây tay, loài cá có biệt danh "cá hóa thạch 4 chân", được phát hiện sinh sống và phát triển tốt ở phía tây Ấn Độ Dương ngoài khơi Madagascar, theo báo cáo từ chuyên trang về bảo tồn môi trường phi lợi nhuận Mongabay News. Sự tái xuất hiện của chúng một phần nhờ các ngư dân sử dụng lưới rê trong những chuyến đánh bắt cá mập. Trong khi họ săn cá mập để lấy vây, dầu và nhiều bộ phận khác, lưới đánh cá công nghệ cao dưới biển sâu có thể vươn tới nơi ở của cá vây tay, ở độ sâu khoảng 100 - 150 m dưới mặt nước.
Loài cá có niên đại từ 420 triệu năm trước, được cho là tuyệt chủng cho tới năm 1938, khi phát hiện con cá vây tay còn sống đầu tiên ở ven biển Nam Phi. Các nhà khoa học bị sốc khi tìm thấy một cá thể thuộc phân loài cá vây tay Tây Ấn Độ Dương (Latimeria chalumnae) với 8 chiếc vây, họa tiết đốm đặc trưng trên vảy và cơ thể khổng lồ.
Nghiên cứu gần đây trên Tạp chí Khoa học SA chỉ ra cá vây tay có thể đối mặt nguy cơ sinh tồn mới với sự gia tăng săn bắt cá mập từ thập niên 1980. Lưới rê sử dụng để bắt cá mập tương đối mới và nguy hiểm hơn do tấm lưới rộng và có thể đặt ở vùng nước sâu. Các nhà nghiên cứu lo sợ cá vây tay có thể bị đánh bắt nhầm, đặc biệt ở Madagascar.
Trưởng nhóm nghiên cứu Andrew Cooke và cộng sự rất bất ngờ trước sự gia tăng số lượng cá vây tay bị đánh bắt nhầm. Nghiên cứu của họ cho thấy Madagascar nhiều khả năng là trung tâm của nhiều phân loài cá vây tay khác nhau. Họ cũng nhấn mạnh việc tiến hành các biện pháp bảo tồn loài cá cổ đại này rất cấp thiết. Nhóm chuyên gia đề xuất giáo dục cộng đồng về sự độc đáo của cá vây tay, dựa trên kết quả 40 năm nghiên cứu.
An Khang (Theo Newsweek)