Sau Covid-19, Đỗ Thị Kim Tiền, 25 tuổi, bị tăng cân không kiểm soát. Nặng hơn 90 kg nhưng chỉ cao 1,6 m, Kim Tiền liên tục bị miệt thị ngoại hình, nói "đã béo còn ham ăn". Tăng cân nhanh khiến cô thường xuyên khó thở, ngủ ngáy và đau nhức xương. Khi đi khám, bác sĩ kết luận mỡ nội tạng cao, phải giảm cân gấp. Tiền bị rối loạn kinh nguyệt, ba tháng mới có kinh một lần.
"Thấy có lỗi với bản thân, Tiền quyết định giảm cân để sống khỏe mạnh hơn", cô gái nói.
Đầu tiên, Tiền xác định mục tiêu giảm cân là để cải thiện sức khỏe. Cô lên mạng tìm hiểu nhiều phương pháp giảm cân khác nhau như keto, eatclean, ăn thâm hụt, uống thuốc giảm cân. Trong đó, phương pháp ăn thâm hụt là khả thi nhất, "bởi không phải nhịn ăn mà ăn khoa học hơn", Tiền nói.
Quy tắc này yêu cầu lượng calo nạp vào cơ thể (calo in) thông qua chế độ ăn luôn thấp hơn lượng calo đốt cháy (calo out). Theo WebMD, có hai cách để tăng mức thâm hụt calo, gồm thay đổi những gì bạn ăn và vận động. Tuy nhiên, có thể kết hợp cả hai để giảm cân lành mạnh, an toàn và hiệu quả cao hơn. Thâm hụt calo là yếu tố quan trọng nhất của việc giảm cân, khác với cưỡng ép bản thân ăn kiêng dẫn đến thiếu hụt năng lượng.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, cho biết khi giảm cân vẫn phải đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đúng và đầy đủ bao gồm 6 nhóm chất: đạm, béo, bột đường, rau, trái cây, sữa và các thực phẩm làm từ sữa. Tuyệt đối không nhịn ăn hay chỉ ăn rau xanh. Lượng chất xơ khuyến nghị cho phụ nữ khoảng 21-25 g, nam giới là 30-38 g mỗi ngày.
Do đó, mỗi ngày, Tiền ăn khoảng 1.500-1.700 calo, tỷ lệ carbs (tinh bột, chất xơ) 40%, protein 35% và chất béo 25%, để giữ cho tốc độ giảm cân đều đặn.
Cô cắt hoàn toàn dầu mỡ, đường. Khi xào, cô thường dùng nước hoặc chỉ ăn đồ luộc, hấp. Thỉnh thoảng, Tiền ướp thịt bằng dầu hào, sau đó chiên bằng nồi chiên không dầu để hạn chế chất béo. Cô ưu tiên ăn nhiều rau, hạn chế tinh bột, mỗi buổi chỉ ăn khoảng 80g cơm, tương đương nửa bát. Khi ăn, Tiền bỏ hoàn toàn thịt mỡ, da, nội tạng động vật.
Nguyên tắc của Tiền là giảm calo chứ không giảm lượng thức ăn. Cô ưu tiên lựa chọn thực phẩm nhiều màu sắc, ưu tiên nguồn đạm thực vật, đạm trắng (gà, cá), hải sản, hạn chế thịt đỏ.
Trong thời gian giảm cân, cô uống nhiều nước để đào thải độc tố, giảm cảm giác thèm ăn, giúp da khỏe hơn. Cô ăn đủ ba bữa một ngày, thay vì nhịn ăn gián đoạn hay bỏ bữa sáng.
Ngoài ra, Tiền không áp đặt bản thân ăn theo thực đơn cụ thể hay ăn theo quy tắc trên mạng. "Nếu hôm nay lỡ ăn nhiều hơn, ngày mai mình giảm khẩu phần ăn lại, đảm bảo calo trong một tuần không vượt mức cho phép", Tiền nói.
Thời gian đầu, Tiền gặp nhiều khó khăn do hay bị đói bụng, mệt mỏi. Để vượt qua, cô thường uống một ly nước ấm, ăn dưa chuột, sữa chua hoặc đi ngủ sớm. Nhờ đó, Tiền thấy cơ thể khỏe mạnh, kinh nguyệt đều hơn, leo cầu thang cũng không bị mệt mỏi.
Ngoài dinh dưỡng, Tiên có dành một tiếng mỗi ngày để đi bộ, tập cardio, dây kháng lực để cơ thể săn chắc, nhẹ nhàng hơn. Tháng đầu tiên, Tiền giảm 6 kg, tháng hai giảm 6 kg, sau đó mỗi tháng giảm thêm 4 kg. Cô lên kế hoạch giảm thêm 10 kg trong hai tháng tới để kịp đón Tết.
"Mình từng đổ lỗi cơ thể khổng lồ này là do cơ địa, nhưng hóa ra chỉ cần phương pháp đúng và kiên trì thì không có người phụ nữ nào béo cả", Tiền nói
Thùy An