Việc tái chế các loại vật liệu bao bì trên được gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất có doanh thu trên 30 tỷ đồng một năm, theo Nghị định số 08/2022. Quy định này cũng áp dụng với nhà nhập khẩu có kim ngạch trên 20 tỷ đồng một năm.
Tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì được xác định trên cơ sở vòng đời, tỷ lệ thải bỏ, thu gom, mục tiêu tái chế quốc gia và điều kiện kinh tế-xã hội từng thời kỳ.
Thực tế, từ 1/1/2022, lộ trình tái chế bao bì giấy, bìa carton, nhôm, nhựa đã được thực hiện. Theo đó, vật liệu có tỷ lệ tái chế bắt buộc cao nhất là PET (nhựa dùng làm chai nước khoáng, nắp cốc cà phê mang đi, hộp đựng thực phẩm, chai gia vị...) và nhôm ở mức 22%, thủy tinh 15%. Mức trên áp dụng trong 3 năm đầu, sau đó tăng dần mỗi ba năm.
Tỷ lệ tái chế các loại rác 2022-2026:
Thời gian | Bao bì, sản phẩm | Tỷ lệ tái chế bắt buộc |
1/1/2022 | Nhựa PET | 22% |
Nhôm | 22% | |
Giấy, carton | 20% | |
Nhựa HDPE, LDPE | 15% | |
Thủy tinh | 15% | |
1/1/2024 | Dầu nhớt động cơ | 15% |
Ắc quy chì | 12% | |
Pin xe điện, khác | 8% | |
Săm, lốp | 5% | |
1/1/2025 | Điện thoại di động | 15% |
Máy tính bảng | 9% | |
Máy giặt, máy sấy | 9% | |
TV, màn hình máy tính | 7% | |
Tủ lạnh, tủ đông | 5% | |
1/1/2026 | Xe máy, đạp điện | 0,7% |
Xe công trình tự hành | 1% | |
Môtô 2-3 bánh, ôtô | 0,5% |
Theo quy định, doanh nghiệp tái chế các sản phẩm, bao bì do họ sản xuất, nhập khẩu hoặc của đơn vị khác cùng chất liệu. Ví dụ, cùng sản phẩm chai nhựa PET, Coca-Cola có thể tái chế chai cùng loại của PepsiCo hoặc Nestlé để đạt tỷ lệ bắt buộc. Việc tái chế phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất không được tính vào tỷ lệ này.
Tái sử dụng, tái chế đúng cách sẽ biến chất thải thành nguyên liệu sản xuất, tận dụng tối đa giá trị và kéo dài vòng đời sản phẩm. Bên cạnh đó, việc làm này còn tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, giảm ô nhiễm môi trường trong bối cảnh hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM thải 7.000 – 10.000 tấn rác mỗi ngày và 60% số đó xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Để đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành tái chế, việc thu gom và phân loại rác thải tại nguồn cần được chú trọng. Ví dụ, nhựa là nguyên liệu tái chế giá trị cao, sẽ bị nhiễm bẩn khi bỏ lẫn với rác sinh hoạt, trở thành loại giá trị thấp hoặc phải thải bỏ.
Chính sách phân loại rác tại nguồn có hiệu lực từ 1/1/2025 được kỳ vọng mang lại nguồn nguyên liệu đầu vào sạch cho ngành này.
Thủy Trương