Một năm trước, anh như chết lặng giữa sân Bệnh viện Ung bướu TP HCM. Trong tay anh là tờ kết quả chẩn đoán ung thư vùng hầu. Người đàn ông đang là trụ cột gia đình tự nhủ "phải làm quen với việc trở thành bệnh nhân".
Hóa trị một chu kỳ, Vinh mệt mỏi vì tác dụng phụ. Anh vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận sự thật mình mang bệnh hiểm nghèo. Bỏ dở điều trị, anh về quê Ninh Thuận chờ đợi phép màu từ thuốc nam, đắp thuốc vào khối bướu với lòng tin "có thể trị khỏi" như thầy lang nói.
Sức khỏe anh Vinh chuyển biến xấu chỉ trong vài tháng. Những cơn đau lưng liên tiếp hành hạ. Một buổi sáng, anh thức giấc và nhận ra đôi chân mình yếu dần. Ngày 21/8, anh trở lại Bệnh viện Ung bướu TP HCM khi đôi chân yếu liệt, mọi hoạt động phải phụ thuộc người thân. Anh không thể tiểu tiện bình thường, phải đặt sonde tiểu.
Bác sĩ thông báo hạch cổ đã phát triển to hơn 6 cm, ung thư di căn gan, di căn xương nhiều nơi, chèn ép tủy sống. "Giai đoạn này chỉ có thể điều trị giảm nhẹ, không thể can thiệp gì thêm", bác sĩ trưởng khoa nói với anh. Ung thư vòm hầu nếu phát hiện sớm, tuân thủ điều trị, khả năng chữa khỏi hẳn có thể từ 80 đến 90%.
"Hồi đó vô thuốc xong tôi thấy rất mệt mỏi, nghe nhiều người khuyên uống thuốc nam hết bệnh, đỡ bị tác dụng phụ nên tôi quyết định về thử", anh Vinh kể về quyết định của mình hồi năm ngoái. "Tôi không lường được mọi chuyện lại thành ra như vậy, giờ hối hận thì không kịp".
Trong những ngày nằm xoay trở khó nhọc trên giường bệnh, đếm sự sống bằng ngày, Vinh chứng kiến nhiều bệnh nhân giống anh, cũng vì tin tưởng các cách điều trị "dân gian" mà bỏ lỡ cơ hội điều trị.
Bên ngoài phòng anh Vinh, người đàn ông 60 tuổi từ Đồng Tháp thẫn thờ khi bác sĩ nói "không làm thêm được gì" với khối bướu tuyến mang tai 10 cm.
Ông phát hiện bướu ở vùng mang tai cách đây 8 tháng. Thấy nhiều người trong xóm sang Trà Vinh chữa miễn phí ở thầy thuốc nam, nên ông đi lễ và đắp thuốc. Khoảng một tuần, khối bướu nứt ra, chảy mủ đau đớn, ông ra trạm y tế xin thuốc giảm đau về uống. Gần đây khối bướu lở loét nghiêm trọng, ông bị méo miệng, liệt nửa bên mặt, ăn uống khó, được bệnh viện địa phương chuyển lên TP HCM.
Bác sĩ xác định ung thư tuyến mang tai đã diễn tiến lan rộng, bướu xâm lấn sâu bên trong làm liệt dây thần kinh số 7, vùng mặt nửa bên phải tê bì, không có cảm giác. Bướu cũng xâm lấn ngoài da, gây tình trạng chảy máu, gieo rắc nhiều nốt thâm nhiễm. Bệnh nhân được chỉ định điều trị chăm sóc giảm nhẹ, không thể phẫu thuật hay hóa, xạ trị.
Bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Trưởng Khoa Xạ 3, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết hàng ngày chứng kiến nhiều bệnh nhân vì tin theo các phương pháp đồn thổi mà chậm trễ điều trị, ông "vừa giận vừa thương".
Việc cắt lễ, đắp lá hoặc đắp vôi ăn trầu, sử dụng nhiệt để đốt như đốt ngãi, dùng nhang... vào khối bướu có thể làm tăng sinh mạch máu khiến u phát triển nhanh hơn, kích thích bề mặt da làm vỡ vỏ bao, gieo rắc ung thư ra xung quanh, dễ lở loét, hoại tử da, nhiễm trùng lan rộng...
Tiến sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết hiện vẫn còn nhiều bệnh nhân nhập viện giai đoạn muộn, khi đã biến chứng, lở loét vì tin theo các phương pháp thiếu cơ sở khoa học, đặc biệt là người dân đến từ vùng sâu.
Một số bệnh nhân chần chừ đến bệnh viện vì không muốn đối diện sự thật mình bị ung thư, tin vào phán đoán có thể chữa khỏi bệnh của thầy lang với chi phí rẻ. Nhiều trường hợp chuẩn bị phẫu thuật thì bệnh nhân trốn viện vì niềm tin sai trái "đụng dao kéo sẽ khiến khối u phát triển nhanh". Nhiều bệnh nhân sau một thời gian dùng các thuốc gia truyền thì quay về bệnh viện với tình trạng trầm trọng, không thể điều trị được nữa.
Bác sĩ khuyến cáo người dân thận trọng với bất kỳ khối u, hạch hay vết lở loét lâu lành xuất hiện trên cơ thể, vì đây rất có thể là dấu hiệu của ung thư. Nên đến cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn, phát hiện và chữa trị kịp thời. Không nên vội vàng áp dụng các phương pháp dân gian hoặc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc. Điều này có thể làm khối u phát triển nhanh hơn và di căn xa gây tình trạng đau đớn, tuyệt vọng cho người bệnh.
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết điều trị ung thư ngày càng tiến bộ với các phương thức phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nhắm trúng đích... Tùy tình trạng, giai đoạn bệnh mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp, phối hợp đa mô thức để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Xem thêm: Bác sĩ sống 10 năm với bệnh ung thư gan
Ung thư nếu phát hiện, điều trị sớm, đúng phương pháp sẽ có kết quả tốt, kéo dài cuộc sống chất lượng. Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh ung thư có thể trị khỏi bằng đông y hay các phương pháp dân gian, truyền miệng, nhịn ăn, bùa ngãi...
Tổ chức Ung thư toàn cầu GLOBOCAN thống kê năm 2018 Việt Nam có 164.671 ca mới mắc ung thư, 114.871 người tử vong do bệnh này, đang có xu hướng tăng nhanh. Việt Nam ở vị trí 78 trong số 172 quốc gia, vùng lãnh thổ được khảo sát về ung thư.