Bác sĩ Nguyễn Lê chuyên khoa gan mật, công tác tại Viện Quân Y 103, Hà Nội. Một lần tình cờ siêu âm gan cho mình, khối u nhỏ màu đục nổi lên khá rõ trên hình ảnh siêu âm khiến trái tim anh thắt lại, người đơ cứng. Để chắc chắn hơn, anh tiếp tục chụp CT và xét nghiệm máu, kết luận không đổi. Cuối tháng 4/2008, một bác sĩ chuyên khoa ung thư cùng bệnh viện nhìn phim chụp và cũng chắc nịch: "Khoảng một đến hai tuần nữa tế bào ung thư lan tỏa thì nguy cơ tử vong cao".
"Tôi gọi đây là góc cua bên bờ vực thẳm. Sống chỉ để chờ chết", bác sĩ Lê kể lại. Khi đó, anh 38 tuổi.
Cùng thời điểm đó, Viện Quân Y 103 có ba bác sĩ bị ung thư gan. Một người là thiếu tá trẻ, chỉ sống được sau gần 3 tháng điều trị tích cực. Người thứ hai là một đại uý bị ung thư gan nguyên phát và mất sau một tháng. Bác sĩ Nguyễn Lê là người còn lại.
Chứng kiến sự ra đi của hai đồng nghiệp, anh bình tĩnh vạch ra cho chính mình hai lựa chọn: Một là tiếp tục điều trị và chấp nhận có thể ra đi bất cứ lúc nào. Hai là dành thời gian ngắn ngủi còn lại để sắp xếp công việc quan trọng, lo cho gia đình. Khi đó, con trai thứ hai của anh mới chỉ 4 tháng tuổi còn anh cũng đang hoàn tất thủ tục để bảo vệ luận án tiến sĩ.
Trong hàng trăm loại ung thư thì ung thư gan là một trong những loại ung thư ác tính nhất, nguy hiểm và thời gian sống ngắn nhất. Trung bình bệnh chỉ diễn biến trong khoảng 3-6 tháng. Điều trị tích cực, đáp ứng tốt cũng may ra chỉ sống được nhiều là 2-3 năm.
Bằng kinh nghiệm chuyên môn và sự lắng nghe cơ thể, anh nhận ra thể bệnh của mình là thể tiến triển chậm, nếu đáp ứng điều trị tốt có thể sống được vài năm. Bởi vậy, anh quyết định không buông xuôi và dành thời gian để tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này. Đồng hành cùng anh là giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Mùi chuyên ngành gan mật truyền nhiễm đã vạch ra các phương án và các bước xử lí. Nhiều đêm liền, hai thầy trò bật đèn xem từng chiếc phim X quang, từng chỉ số xét nghiệm rồi cùng nhau thảo luận về chuyên môn.
"Đây là công việc chúng tôi làm cùng nhau hàng ngày với hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân. Còn lần này đặc biệt hơn khi bệnh nhân lại chính là học trò của mình", giáo sư Mùi kể lại.
Sau đó, anh đến bệnh viện Việt Đức và mời bác sĩ Trịnh Hồng Sơn, "tay dao" hàng đầu Việt Nam về phẫu thuật tiêu hóa bấy giờ để cùng lên kế hoạch cho cuộc mổ sắp tới. Các nguy cơ cũng được đưa ra thảo luận. Bác sĩ Lê sẵn sàng chấp nhận những tình huống rủi ro có thể xảy ra, thậm chí là chết trên bàn mổ.
Ngày 13/5/2008, anh cởi bỏ áo blouse trắng và khoác chiếc áo bệnh nhân để vào phòng mổ. Sau hai tuần hậu phẫu, anh bắt đầu tập những bước đi đầu tiên. Anh nói, đây là cuộc đời thứ hai của mình.
Sau ca mổ, sức khỏe anh duy trì ổn định. Ngoài việc điều trị, anh còn sang Mỹ, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc... để học hỏi, gặp các chuyên gia hàng đầu về ung thư rồi tổng hợp và tìm ra biện pháp điều trị tối ưu cho mình.
Năm 2017, anh trải qua ca phẫu thuật thứ hai khi khối u tái phát sau 9 năm. Khác với lần đầu, anh tự nhủ đây là ca mổ mà hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân ung thư chờ đợi. Sự thành công của nó không chỉ giúp anh bình phục mà còn giúp bệnh nhân có thêm niềm tin và hy vọng để điều trị lâu dài.
Hơn 10 năm chống lại căn bệnh ác tính, anh nhận ra ung thư không phải là dấu chấm hết. "Đừng gọi ung thư là cuộc chiến cũng đừng nghĩ bệnh nhân sống sót sau ung thư là những chiến binh. Hãy xem ung thư như một căn bệnh bình thường bởi nó có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm ở thời điểm vàng", bác sĩ nhấn mạnh.
Năm nay, đại tá, bác sĩ Nguyễn Lê, 49 tuổi quyết định xin nghỉ hưu trước tuổi để tập trung tìm hiểu thêm nhiều biện pháp điều trị ung thư tốt nhất cho bản thân và bệnh nhân của mình. Khi người bệnh cần, anh vẫn dành thời gian để tư vấn, giúp họ chuẩn bị tâm lý và vạch ra phương hướng điều trị phù hợp nhất.
"Nếu không đặt mình vào hoàn cảnh người bệnh, đau nỗi đau của bệnh nhân, người bác sĩ khó đi trọn vẹn với nghề", bác sĩ Lê nói. "Dù bị bệnh, tôi vẫn cố gắng thắp lên hy vọng cho những người đang cố giành giật lấy sự sống và hạnh phúc cho mình".
Thùy An